Ngày 9/9, tại cuộc họp rà soát, khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân đã chỉ đạo lực lượng chức năng cần nhanh chóng thu dọn cây xanh gãy đổ trên các tuyến đường đảm bảo giao thông thông suốt, đồng thời, cấp điện nước, khôi phục hệ thống viễn thông và hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa do trận bão số 3 gây ra.
HƠN 7.000 NHÀ DÂN BỊ HƯ HỎNG, HƠN 15.000 CÂY XANH GÃY ĐỔ
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP. Hải Phòng, trận bão số 3 đổ bộ vào Hải Phòng ngày 7/9 với gió mạnh tuỳ nơi từ cấp 10-13, giật cấp 14-15, lượng mưa phổ biến từ 120-180mm, ngoài khơi sóng cao 6-8m, vùng ven biển Cát Bà, Đồ Sơn sóng cao 2-3,5m. Trận bão số 3 khiến 2 người tử vong (1 tại huyện Tiên Lãng, 1 tại huyện Thuỷ Nguyên), 40 người bị thương.
Theo thống kê ban đầu của cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng, trận bão số 3 đã khiến hơn 7.300 công trình nhà dân, hơn 300 trường học, 137 trụ sở làm việc, 76 công trình công cộng, 24 cơ sở y tế bị hư hỏng, 11 tàu thuyền bị chìm. Toàn thành phố có hơn 15.700 cây xanh, 669 cột điện bị gãy đổ, 230 trang trại bị hư hỏng, hơn 200.000 gia cầm chết. Trận bão số 3 khiến 580ha cây cảnh, 20.780ha lúa, hơn 2.300ha hoa màu, hơn 2.800ha nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng thiệt hại…
Bão số 3 đổ bộ đã làm mất điện trên diện rộng, hệ thống viễn thông bị đứt. Đến sáng 9/9, hệ thống viễn thông ở nhiều nơi đã được khôi phục, nhiều nơi đã được cấp điện, cấp nước trở lại. Tại một số nơi như Đồ Sơn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ điện nước và viễn thông chưa được khắc phục. Tại khu vực vịnh Lan Hạ (quần đảo Cát Bà), tàu Minh Anh 01 với 12 thuyền viên bị mất khả năng điều khiển trôi dạt trên biển đã được Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng phối hợp với lực lượng chức năng hỗ trợ neo đầu, đảm bảo an toàn con người và tài sản. Tại khu vực quận Ngô Quyền và Lê Chân, một số lô nhà chung cư cũ bị tốc mái, nghiêng. Tại quận Hồng Bàng, có 2 lô chung cư cũ sau bão xuất hiện vết nứt.
Đại diện Công ty cổ phần công viên cây xanh Hải Phòng cho biết trong đêm 7/9, doanh nghiệp này đã dọn dẹp cây xanh trên đường Lê Hồng Phong và một số tuyến phố chính. Trong 2 ngày 8 và 9/9, với sự giúp đỡ của lực lượng quân đội, nhiều tuyến phố bị cây gãy đổ gây ách tắc đã tạm được thu dọn đảm bảo giao thông thông suốt. Đại diện Công ty cây xanh cho biết 100% cây đổ sẽ được cắt cành, khôi phục trồng lại, chỉ những cây bị gãy, sâu thân mới cắt bỏ. Do lượng cây xanh gãy đổ nhiều nên những thân cành cắt bỏ sẽ được tập kết về các bãi rác của thành phố.
Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng cho biết đến tối 8/9, các khu xử lý rác Tràng Cát, Đình Vũ, Gia Minh đã không còn tình trạng tắc nghẽn.Do đã quen với việc xử lý sau bão, doanh nghiệp này đã điều động toàn bộ phương tiện nhân lực, đồng thời, thuê thêm hàng chục xe cẩu thực hiện dọn rác cây xanh trên đường đảm bảo giao thông thông suốt.
Công ty cổ phần cấp nước Hải Phòng báo cáo hầu hết trận bão số 3 đã làm nhiều công trình phục vụ sản xuất nước sạch thiệt hại. Tuy nhiên, các nhà máy nước đã hoạt động. Tại đảo Bạch Long Vỹ và Cát Bà chờ khi có điện sẽ cấp nước trở lại. Còn theo đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, đa số các điểm ngập lụt đã được giải quyết, chỉ còn tại quận Hải An có một số điểm ngập lụt độ 10cm.
KHẨN TRƯƠNG KHÔI PHỤC ĐIỆN NƯỚC, HỆ THỐNG VIỄN THÔNG
Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, thời điểm này địa phương cần tập trung nhất đảo Cát Bà. Tại Cát Bà, tối 8/9 đã kéo được đường dây cáp quang, đường điện cho Cát Bà đã được khắc phục nhưng còn chờ đầu dây tại Uông Bí (Quảng Ninh) đấu nối thì Cát Bà mới được cấp điện. Ông Thọ đánh giá các địa phương đã thực hiện tốt công tác dọn dẹp vệ sinh sau bão. Ông Thọ lưu ý việc thống kê thiệt hại cần chính xác, các khối trường học tốc mái nhiều cần khảo sát thống kê sớm sửa chữa để đón học sinh.
Kết luận cuộc họp, ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung thống kê thiệt hại, xác định rõ nội dung khẩn cấp cần khắc phục nhanh. “Ngay trong chiều nay, các ngành, địa phương cần thống kê thiệt hại gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xác định mức độ ưu tiên hỗ trợ. Thành phố sẽ bố trí hỗ trợ mỗi địa phương khoảng 5 tỷ đồng, mỗi địa phương cũng bố trí nguồn kinh phí 5 tỷ để ưu tiên sửa chữa các công trình cấp thiết".
Ông Quân chỉ đạo từ 12 giờ trưa 9/9 khôi phục các hoạt động trên biển. Đồng thời, để nghị các đơn vị tập trung trong ngày 9/9, các hộ dân tại các địa phương cơ bản có điện (trừ khu vực đặc biệt như Cát Bà). Ông Quân lưu ý các địa phương, các ngành cần ưu tiên cấp điện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở y tế giáo dục và người dân, khôi phục hệ thống viễn thông, cấp nước và vệ sinh môi trường.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính khắc phục hạ tầng kỹ thuật. Đối với việc dọn dẹp cây xanh trên đường phố, ông Quân cho rằng có thể sử dụng các khu đất trống để tập kết tạm, cần nhân lực thì đề nghị lực lượng quân đội hỗ trợ. Đối với huyện đảo Bạch Long Vỹ, ông Quân yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với cơ quan liên quan hỗ trợ (cấp tạm) máy phát, nhân lực, vật tư phương tiện để sớm khôi phục hoạt động trên đảo. Tại đảo Cát Hải cần tập trung nhanh chóng khôi phục hệ thống điện, viễn thông, UBND huyện Cát Hải chủ trì đảm bảo các hoạt động của bến phà từ đất liền ra Cát Bà.
Về công tác hỗ trợ người dân, ông Quân chỉ đạo lực lượng chức năng và các địa phương cần ưu tiên đảm bảo cuộc sống của người dân, nhất là những gia đình bị ảnh hưởng hư hỏng nhà cửa. Các quận huyện cần tập trung ưu tiên những nhà có nguy cơ đổ sập, bố trí tạm lánh và giúp dân sửa chữa. Đối với các khu nhà chung cư cũ bị nghiêng nghiêng ở quận Ngô Quyền đã có phương án di dân. Còn các chung cư tốc mái tại quận Lê Chân nếu sửa chữa được thì xử lý ngay, nếu không thì đưa các hộ đến các khu tạm lánh.
Đối với việc hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Quân chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế.