Tuy nhiên, công tác tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho người bệnh vẫn bảo đảm duy trì, đặc biệt một số ca chấn thương nặng đã được cấp cứu kịp thời.
Sở Y tế Hải Phòng báo cáo trước mắt một số cơ sở y tế có thiệt hại như bay mái, bay biển hiệu, biển chỉ dẫn... một số trạm y tế bị đổ tường bao. Các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị; các thiết bị được di chuyển đề phòng ngập lụt sau bão.
Thông tin từ Sở Y tế Thái Bình cho thấy có một số tổn thất nhỏ như bay mái tôn, biển hiệu, đổ cây… ở một số cơ sở y tế. Các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị. Các sở y tế của các tỉnh, thành phố khác đang tổng hợp để báo cáo.
Nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại và sớm triển khai các hoạt động bình thường của các bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, TP. Hà Nội, và các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 3; các bệnh viện trực thuộc Bộ khu vực miền Bắc và miền Trung, trong trường hợp bệnh nhân cấp cứu chấn thương nặng, vượt quá khả năng chuyên môn, bệnh viện cần tổ chức hội chẩn chuyên môn, hoặc chuyển bệnh viện khác kịp thời.
Để chủ động ứng phó với đợt mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra sau bão, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương tập trung cứu chữa người bị thương; khẩn trương khắc phục hậu quả tại các cơ sở y tế, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Lưu ý không để người dân, người bệnh không được khám chữa bệnh, chăm sóc y tế.
Ngành y tế các địa phương khẩn trương báo cáo tình hình thiệt hại về người, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế do ảnh hưởng của bão số 3; đề xuất nhu cầu hỗ trợ để khắc phục sau bão (nếu có).
Bộ Y tế cũng hướng dẫn một số vấn đề y tế cần quan tâm để khắc phục hậu quả bão số 3.
Đó là, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút. Lên các phương án phòng chống dịch sau mưa lũ, lưu ý các dịch bệnh sởi, đau mắt đỏ, nước ăn chân, tiêu chảy...
Tập trung phân loại người bị nạn để ưu tiên trong công tác cấp cứu đối với tình huống khẩn cấp, phân luồng người bệnh nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, để tránh lây nhiễm dịch bệnh trong bệnh viện.
Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình.