Ngày 22/10, thông tin từ UBND TP. Hải Phòng cho biết thành phố này đã có quyết định cho 2 nhóm đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển các sản phẩm OCOP, người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo… được ưu đãi vay vốn tín dụng từ nguồn ngân sách để thực hiện các chương trình, mục tiêu xoá nghèo bền vững, tạo việc làm phát triển nông thôn mới.
NHU CẦU VAY ƯU ĐÃI LỚN
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hải Phòng đang thực hiện chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp tại khu vực nông nghiệp nhằm thực hiện một số hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cả 2 chương trình cho vay vốn đều có mục tiêu hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp nhỏ tại khu vực kinh tế nông thôn tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngoài khoản tín dụng Trung ương cấp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để tạo việc làm, Hải Phòng còn hỗ trợ, đối ứng từ 50 - 100% vốn ưu đãi tín dụng cho các gói vay hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ thu nhập hàng tháng, hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ tiền điện, học phí…
Từ năm 2021 đến nay, thông qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội, Hải Phòng đã cho hơn 109.000 lượt khách hàng vay ưu đãi tín dụng với tổng số hơn 4.760 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã có hơn 2.100 hộ thoát nghèo, hơn 34.600 hộ thoát cận nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 22.300 lao động, giúp cho 1.600 học sinh, sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập…
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thông qua Chi nhanh Ngân hàng chính sách xã hội, Hải Phòng đã cho 760 dự án phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với tổng mức vay 42 tỷ đồng, cho 73 dự án phát triển du lịch nông thôn vay hơn 5 tỷ đồng…
Tuy nhiên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hải Phòng đánh giá cá nhân người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có mức sống trung bình nếu xảy ra biến cố trong cuộc sống dễ tái nghèo. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ để người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm nhằm ngăn chặn nguy cơ tái nghèo.
Qua khảo sát, Hải Phòng hiện có hơn 2.000 đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn hơn 123,8 tỷ đồng/ năm. Tương tự, Hải Phòng hiện có khoảng hơn 2.200 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động có nhu cầu vay khoảng hơn 135,7 tỷ đồng/năm để phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn, phát triển mỗi xã một sản phẩm OCOP và duy trì phát triển làng nghề truyền thống….
Tuy nhiên, Hải Phòng lại chưa có chính sách hỗ trợ tín dụng riêng cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, duy trì phát triển làng nghề truyền thống và phát triển du lịch nông thôn. Các khoản tín dụng cho vay này đều phải lồng ghép trong chương trình cho vay giải quyết việc làm nên chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn để phát triển du lịch nông thôn, phát triển mỗi xã một sản phẩm OCOP hay duy trì, phát triển làng nghề truyền thống.
NGUỒN VỐN VAY ƯU ĐÃI TỪ NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ
Theo đánh giá của sở Lao động – Thương binh- Xã hội TP. Hải Phòng, với hơn 2.000 đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hơn 2.200 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, người lao động khu vực nông thôn có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để tạo sinh kế thoát nghèo bền vững, tạo việc làm, Hải Phòng cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia này.
Từ nhiều năm nay, Hải Phòng nằm trong Top 10 tỉnh, thảnh phố điều tiết ngân sách về Trung ương, trên cơ sở tự cân đối ngân sách địa phương, Hải Phòng có thể quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện về chính sách tín dụng ưu đãi cho các đối tượng thuộc phạm vi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được vay vốn để sản xuất kinh doanh góp phần ổn định cuộc sống, phát triển làng nghề truyền thống, phát triển du lịch nông thôn. Như vậy sẽ ngăn chặn nguy cơ tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Căn cứ vào đề xuất của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND TP. Hải Phòng đã có quyết định vay vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ thực hiện một số hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Hải Phòng. Theo đó, các cơ sở là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc vùng nông thôn, phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, các tổ chức, cá nhân duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển du lịch nông thôn được vay tối đa không quá 2 tỷ đồng cho 1 dự án mỗi xã một sản phẩm OCOP, dự án duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, dự án phát triển du lịch nông thôn.
Đồng thời, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố, người lao động thuộc phạm vi các chương trình mục tiêu quốc gia được vay tín dụng ưu đãi tối đa 100 triệu đồng/ lần vay để làm ăn, tạo việc. Mục tiêu đến hết năm 2024, Hải Phòng không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021- 2025. Nguồn vốn cho vay ưu đãi này từ nguồn ngân sách thành phố thực hiện uỷ thác cho vay qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội.
Các khoản vay ưu đãi này có lãi suất được tính bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ. Đối với lãi suất nợ quá hạn sẽ được tính bằng 130% lãi suất cho vay. Thời gian cho vay tối đa là 120 tháng. Theo chỉ đạo của UBND TP. Hải Phòng, hàng năm, căn cứ theo đề xuất của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các ngành chức năng, UBND thành phố sẽ cấp nguồn vốn vay ưu đãi uỷ thác để Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay.
Theo UBND TP. Hải Phòng, chính sách ưu đãi cho vay vốn đã giúp người lao động, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thuộc đối tượng được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, phát triển du lịch nông thôn góp phần hạn chế nguy cơ tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thúc phát triển kinh tế- xã hội bền vững.