Ngày 1/8, thông tin từ UBND TP. Hải Phòng cho biết thành phố này sẽ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất, kinh doanh, người lao động thuộc hộ làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình được vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định sinh kế từ nguồn ngân sách thành phố.
Theo đề xuất của UBND TP. Hải Phòng, có 2 nhóm đối tượng được ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng vay vốn ưu đãi khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Nhóm thứ nhất là các cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển du lịch.
Nhóm thứ hai là người lao động thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Theo đó, nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh được vay tối đa lên đến 2 tỷ đồng/dự án. Nhóm người lao động được vay tối đa mức 100 triệu đồng/lao động.
Lãi suất cho vay được xác định bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ (hiện đang áp dụng 6,6%/năm), thời gian cho vay tối đa là 120 tháng. Trong đó, người lao động vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Còn cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định.
Được biết, ngân sách thành phố Hải Phòng thực hiện uỷ thác cho Ngân hàng chính sách xã hội - Chi nhánh TP. Hải Phòng quản lý nguồn vốn cũng như kiểm soát hồ sơ, phương thức cho vay, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ.
Theo chỉ đạo của UBND TP. Hải Phòng, hàng năm, Ngân hàng chính sách xã hội - Chi nhánh TP. Hải Phòng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể rà soát nhu cầu vay vốn, xây dựng kế hoạch nguồn vốn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để trình UBND TP. Hải Phòng quyết định phê duyệt cấp vốn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện xây dựng dự án thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, phát triển làng nghề truyền thống.
Các Sở Du lịch, Văn hoá và Thể thao có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng dự án, đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2030 để cho vay ưu đãi, thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ vay vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Hải Phòng.