Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025, quy hoạch, phát triển 6 trung tâm dịch vụ logistics với tổng công suất hàng hoá thông qua hơn 90 triệu tấn/năm, đến năm 2030 đảm nhận 60-65% tổng lượng hàng hoá có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay, các trung tâm logistics cấp tỉnh, cấp vùng vẫn chỉ trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư.
QUY HOẠCH 6 TRUNG TÂM LOGISTICS QUY MÔ LỚN
Năm 2019, UBND TP. Hải Phòng ra quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo quyết định này, đến năm 2025, Hải Phòng sẽ quy hoạch 6 trung tâm logistics mới với tổng diện tích sử dụng đất là 261ha, trong đó có 1 trung tâm logistics cấp vùng trung tâm logistics Nam Đình Vũ nằm ở phía Đông thành phố (tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ, quận Hải An).
Còn lại 5 trung tâm logistics cấp tỉnh gồm trung tâm logistics Lạch Huyện nằm ở phía Đông Nam thành phố (tại Cảng trung tâm Lạch Huyện, huyện Cát Hải), trung tâm logistics VSIP nằm ở phía Đông Bắc thành phố (tại khu công nghiệp VSIP, huyện Thuỷ Nguyên), trung tâm logistics Tràng Duệ ở phía Tây thành phố (tại khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương), trung tâm logistics Tiên Lãng ở phía Nam thành phố (hỗ trợ cho trung tâm logistics Nam Đình Vũ) và trung tâm logistics chuyên dùng hàng không (tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, quận Hải An).
Cũng theo quyết định của UBND TP. Hải Phòng, đến năm 2030, Hải Phòng quy hoạch, mở rộng các trung tâm logistics đưa tổng diện tích 6 trung tâm logistics từ 261ha lên thành 306ha. Trong đó, trung tâm logistics Nam Đình Vũ từ 125ha được mở rộng lên 150ha, trung tâm logistics Lạch Huyện từ 16,5ha lên 70ha, trung tâm logisitcs VSIP từ 10ha lên 20ha, trung tâm logistics Tràng Duệ từ 30ha lên 40ha.
Trong quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngoài 6 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 306ha, Hải Phòng cũng quy hoạch hơn 1.750ha đất để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phục vụ kết nối logistics. Đây là những hạng mục đầu tư hệ thống các đường giao thông cấp tỉnh, cấp huyện. Ngoài ra, Hải Phòng cũng quy hoạch 100ha đất để xây dựng hệ thống kho bãi ngoài trung tâm logistics.
CẦN 13.500 TỶ ĐỒNG ĐẦU TƯ CÁC TRUNG TÂM LOGISTICS
Hải Phòng xác định các trung tâm logistics là các dự án mang tính động lực cho phát triển kinh tế nên ngoài nguồn vốn ngân sách sẽ thực hiện kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các trung tâm logistics cấp vùng, cấp tỉnh.
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn đầu tư xây dựng các trung tâm logistics là 9.000 tỷ đồng gồm 1.625 tỷ đồng vốn ngân sách, 7.375 tỷ đồng còn lại là vốn ngoài ngân sách. Giai đoạn 2026 – 2030, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng gồm 900 tỷ đồng vốn ngân sách và 3.600 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách.
Các trung tâm logistics được quy hoạch trải khắp các khu công nghiệp, khu kinh tế liên kết với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đồng thời, gắn với quy hoạch phát triển thương mại.
Hải Phòng kỳ vọng giai đoạn 2021 – 2025, mỗi năm sẽ có 90 triệu tấn hàng hoá thông qua các trung tâm logistics. Giai đoạn 2026 – 2030 mỗi năm sẽ có khoảng hơn 140 triệu tấn hàng hoá được thông qua tại các trung tâm logistics. Các trung tâm logistics được kỳ vọng sẽ cùng các ngành kinh tế biển khác sớm đưa Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại.
Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại, đảm bảo tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30-35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của thành phố từ 25-30%. Để đạt được mục tiêu này, TP Hải Phòng xác định đầu tư đột phá vào lĩnh vực thế mạnh là cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.
Trong đó, quy hoạch mạng lưới trung tâm logistics theo hướng đồng bộ, gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, hệ thống giao thông nhằm đảm bảo cho việc phát triển các dịch vụ logistcs chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao và hội nhập.
MỚI CÓ TRUNG TÂM LOGISTICS QUY MÔ NHỎ
Đến nay, Hải Phòng mới có 2 trung tâm logistics đi vào hoạt động là trung tâm logistics Green, trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (cùng nằm trong khu công nghiệp Đình Vũ). Ngoài ra, có 2 trung tâm logistics đang được xây dựng là trung tâm logistics CDC (khu công nghiệp Đình Vũ 2) và trung tâm logistics thuộc KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (khu công nghiệp Deep C III thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải).
Tuy nhiên, các trung tâm logistics này chỉ là các cơ sở logistics quy mô nhỏ, không phải là các trung tâm logistics cấp tỉnh, cấp vùng đã được quy hoạch theo quyết định của UBND TP. Hải Phòng. Tại các khu vực trọng điểm thu hút vốn FDI được Hải Phòng quy hoạch là trung tâm logistics cấp tỉnh như khu công nghiệp Tràng Duệ, khu công nghiệp VSIP mới đang trong giai đoạn nghiên cứu, xúc tiến đầu tư.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng, việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics còn lúng túng vì thiếu cơ sở pháp lý. Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đưa ra định nghĩa, khái niệm rõ ràng, thống nhất về “trung tâm logistics”.
Khái niêm về hạ tầng logistics nằm rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Luật Đất đai thi hiểu logistics là kho, bãi để hàng, thuộc lại đất thương mại, dịch vụ. Luật Giao thông vận tải thì đưa ra khái niệm logistics là cảng cạn. Luật Xây dựng thì hiểu logistics là kết cấu hạ tầng kho tàng. Do chưa có quy định rõ ràng nên nhiều trung tâm logistics cấp tỉnh, cấp vùng vẫn trong giai đoạn triển khai, chưa được thực hiện trên thực tế.
Theo Quyết định 1516/QĐ-TTg, ngày 2/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì 6 trung tâm logistics được quy hoạch với diện tích 306ha từ năm 2029 sẽ tăng lên thành 1.006ha, thậm chí có thể mở rộng lên tới 1.656ha.
Hải Phòng cũng được phép quy hoạch thêm 5 trung tâm logistcs mới với tổng diện tích từ 270 - 530 ha. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, Hải Phòng có thể được quy hoạch thêm các trung tâm logistics trên địa bàn các quận, huyện.