Sáng 10/1, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương Võ Thị Ánh Xuân đã dự Hội nghị triển khai thực hiện nghị quyết của Thành uỷ, HĐND TP. Hải Phòng về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2024.
Ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng trình bày Nghị quyết của HĐND thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2024 và quyết định của UBND thành phố về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 cho các sở ngành, UBND các quận huyện và các đơn vị kinh tế nhà nước.
Theo đó, năm 2024, Hải Phòng chọn chủ đề năm là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hoá đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu – Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số”. Hải Phòng cũng lựa chọn 20 dự án trọng điểm năm 2024, trong đó có 6 dự án dự kiến khánh thành (5 dự án vốn ngân sách, 1 dự án vốn ngoài ngân sách), 12 dự án dự kiến khởi công (3 dự án vốn ngân sách, 9 dự án vốn ngoài ngân sách) cùng 2 dự án đang triển khai chuyển tiếp từ năm 2023 sang.
Về các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm 2024, Hải Phòng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh năm 2010) so với năm 2023, thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) 9.000USD, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15%, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo đạt 64%.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, năm 2024, Hải Phòng đặt mục tiêu thu hơn 106.761 tỷ đồng bằng hơn 104% so với tổng thu ngân sách năm 2023, trong đó thu nội địa đạt 45.000 tỷ đồng bằng 105,88% so với số thu nội địa thực hiện năm 2023, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 60.000 tỷ đồng bằng 103,45% số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của năm 2023.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024 là 210.000 tỷ đồng bằng 109,95% so với năm 2023. Lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 190 triệu tấn bằng 111,76% so với lượng hàng hoá thông qua cảng của năm 2023 là 170 triệu tấn. Riêng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2024 Hải Phòng chỉ đặt mục tiêu từ 2-2,5 tỷ USD, bằng từ 57,14-71,43% với con số thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của năm 2023 (gần 3,5 tỷ USD).
Để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Hải Phòng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó sẽ mở rộng không gian kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu gồm công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại.
Cụ thể, Hải Phòng sẽ tập trung giải phóng mặt bằng và đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp Tiên Thanh, khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu và một số cụm công nghiệp. Hải Phòng cũng sẽ chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, quy hoạch để sớm thành lập các khu công nghiệp mới như khu công nghiệp Nam Tràng Cát, khu công nghiệp Thuỷ Nguyên, khu công nghiệp Tràng Duệ (giai đoạn 3), khu công nghiệp Giang Biên 2…
Hải Phòng sẽ thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics mới theo quy hoạch như hoàn thành xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6 và khởi công xây dựng các bến container số 7, 8 tại cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Đồng thời, nghiên cứu thủ tục đầu tư xây dựng các bến khởi động của cảng Nam Đồ Sơn, các bến cảng khu vực sông Văn Úc, tuyến đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2.
Ngoài ra, Hải Phòng sẽ chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng mới song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng kết nối cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn.
Về lĩnh vực du lịch – thương mại, Hải Phòng xây dựng phương án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng du lịch tại huyện Cát Hải như tuyến cáp treo 1 dây Phù Long – Cát Bà, sân Golf Xuân Đám, khu bến tùa và các công trình phục vụ du lịch tại khu vực Cái Bèo, khu đô thị du lịch dịch vụ khoáng nóng tại xã Xuân Đám, dự án du lịch trung tâm vịnh Cát Bà.
Cùng với đó, Hải Phòng sẽ tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tập trung hiện đại hoá đô thị, phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới…
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương Võ Thị Ánh Xuân đã trao tặng Huân chương lao động hạng 3 cho ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, vì đã có thành tích xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua tăng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2018 – 2022 của thành phố Hải Phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương Võ Thị Ánh Xuân tặng Cờ thi đua của Chính phủ thành phố Hải Phòng vì đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác, là đơn vị dẫn đầu khối thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 4 cá nhân gồm ông Phạm Văn Lập – Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng, Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng, Lê Ngọc Trữ - Bí thư Quận uỷ Hồng Bàng, Lê Trung Kiên – Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua tăng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2018 – 2022.