Hiện tại mỗi ngày Hải Phòng phải xử lý khoảng gần 2.000 tấn rác thải. Trong đó, rác thải đô thị là hơn 1.100 tấn; rác thải ở khu vực nông thôn hơn 600 tấn. Còn lại là chất thải rắn công nghiệp, nông nghiệp; xây dựng, chất thải y tế nguy hại.
Dự báo, đến năm 2025 con số đó sẽ tăng lên khoảng hơn 2.779 tấn/ngày, đến năm 2030 lượng rác thải sẽ lên đến 3.838 tấn/ngày. Cùng với đó là sự gia tăng số lượng các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.
CHÔN LẤP VẪN LÀ GIẢI PHÁP HÀNG ĐẦU
Hàng năm, ngân sách Hải Phòng chi cho thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt là 159,84 tỷ đồng. Trường hợp thu đủ giá dịch vụ của 100% hộ dân và mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển theo định mức hiện nay thì ngân sách bố trí thêm khoảng 83,68 tỷ đồng/năm (khu vực nông thôn khoảng 46,38 tỷ đồng/năm tương đương 156.000 đồng/tấn, khu vực đô thị khoảng 37,3 tỷ đồng/năm tương đương 108.500 đồng/tấn).
Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hải Phòng cho biết, hiện tại có 12 đơn vị tham gia công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Hải Phòng, trong đó có 06 đơn vị trực tiếp tham gia xử lý chất thải rắn sinh hoạt và 06 đơn vị tham gia công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải thông thường.
Cùng với đó, thành phố cũng cấp phép cho một số đơn vị tại các tỉnh thành phố khác được thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Về cơ bản các đơn vị này đảm bảo được công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố.
Đến nay, việc xử lý chất thải rắn trên địa bàn Hải Phòng chủ yếu áp dụng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm đến 62%), tại 03 khu xử lý chôn lấp gồm Khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát, Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh (chôn lấp theo phương pháp Fukouka - Nhật Bản).
Tiếp theo là Công nghệ xử lý chất thải bằng phương pháp chế biến phân vi sinh, đã được Hải Phòng triển khai tại Khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát, với dây chuyền công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân vi sinh (compost) và mùn hữu cơ với công suất 200 tấn/ngày (do đội ngũ chuyên gia thành phố Kitakyushu - Nhật Bản hỗ trợ, chuyển giao). Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này còn rất thấp, mới chỉ xử lý được khoảng 4% lượng rác thải rắn của thành phố.
Xử lý chất thải bằng Công nghệ đốt cũng đã được Hải Phòng áp dụng (đốt rác thải sinh hoạt nông thôn) qua hệ thống 05 lò đốt cỡ nhỏ tại An Lão, Vĩnh Bảo, Thuỷ Nguyên.
Tuy nhiên những lò đốt này mới chỉ xử lý được khoảng thêm 2% lượng rác thải - Còn lại 32 % lượng rác thải vẫn đang được Hải Phòng xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại 137 bãi rác tạm trên địa bàn các huyện.
TÌM NHỮNG GIẢI PHÁP MỚI
Mới đây, Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hải Phòng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn Hải Phòng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở nghị quyết đã được phê duyệt, ngày 21/11/2022 Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 260/KH-UBND với một số nhiệm vụ sẽ được tiến hành triển khai gồm:
Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Khu xử lý Đình Vũ giai đoạn I công suất 1.000 tấn/ngày, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 7/2025.
Đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải rắn Trấn Dương (điện rác công suất 1.000 tấn/ngày; các dây chuyền sơ chế, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, dây chuyền chế biến phân mùn, công suất 300 -500 tấn/ngày). Dự kiến bắt đầu vận hành trong năm 2027. Khi hai nhà máy đốt rác phát điện này đi vào hoạt động sẽ giải quyết được cơ bản lượng rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Đầu tư xây dựng, cải tạo trạm trung chuyển, điểm tập kết chất thải rắn trên địa bàn thành phố, đảm bảo việc tập kết và vận chuyển thuận lợi đến các Khu xử lý chất thải rắn tập trung.
Đối với hiện trạng chính những bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải cũng phát thải gây ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường thành phố sẽ triển khai nâng cấp bãi rác tạm trên địa bàn các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Bạch Long Vĩ thành các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường bãi rác tạm trên địa bàn các huyện: Kiến Thụy, An Lão, Thủy Nguyên, Cát Hải ,Vĩnh Bảo, Tiên Lãng.
Dự kiến đến năm 2025, Hải Phòng sẽ đạt mục tiêu 100% chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý; 97% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý hợp vệ sinh giảm dần tỷ lệ chôn lấp trực tiếp; giảm 50% khối lượng nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại; 90 - 95% các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tại các đô thị đóng cửa, hoặc được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất.
Tiếp tục phấn đấu tới năm 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh trên địa bàn Hải Phòng đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.