Tham luận với chủ đề: "Phát triển logistics thúc đẩy liên kết vùng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh" tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 diễn ra sáng 26/11, bà Phạm Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Hà Nội, nêu rõ Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là nhân tố chính tạo động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, tuy nhiên phát triển dịch vụ logistics hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
NHIỀU LỢI THẾ ĐỂ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, nếu nhìn từ góc độ từng địa phương riêng lẻ, bản thân Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Binh có vai trò rất quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thêm nữa khi tạo thành một tam giác động lực, ba địa phương sẽ trở thành cực tăng trưởng thúc đẩy phát triển kinh tế.
Vai trò cụ thể, đó là: Thúc đẩy tăng trưởng nội vùng; kết nối giữa Việt Nam - ASEAN và Đông Bắc Á; tạo hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, từ đó thúc đẩy kết nối với trung du và miền núi phía Bắc; thúc đẩy hợp tác thương mại với Tây Nam Trung Quốc.
Với nhiệm vụ quan trọng này, vấn đề đặt ra là hiện trạng logistics Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh hiện nay ra sao? Về vấn đề này, bà Hương cho rằng, khi đề cập đến hiện trạng logistics sẽ có hai vấn đề chính là hạ tầng và năng lực cung cấp dịch vụ.
Về hạ tầng, ba địa phương đã có sự kết nối đầy đủ của các phương thức vận tải, trong khi đối với logistics, khi các phương thức vận tải được kết nối với nhau sẽ có vai trò cực kỳ trọng yếu.
Cụ thể, với hàng không, ba địa phương này là vùng có 3 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn). Với đường bộ, có gần 300km cao tốc kết nối toàn tuyến, hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ hiện đại. Bên cạnh đó, có mạng lưới cảng biển tập trung ở Hải Phòng và Quảng Ninh, bao gồm cảng nước sâu; hệ thống cảng thủy đội địa theo trục giao thông đường bộ; tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng và Kép – Hạ Long.
“Về mặt tổng thể, ba địa phương này có nhiều lợi thế để phát triển logistics. Đó là kết nối đầy đủ các phương thức vận tải; đường bộ kết nối thông suốt toàn tuyến và liên vùng Bắc Bộ; hạ tầng logistics được đầu tư hiện đại”, bà Hương phân tích.
Tuy nhiên, vẫn còn mốt số điểm hạn chế trong câu chuyện năng lực logistics của ba địa phương trong vùng tam giác động lực phía Bắc, đó là không đồng đều giữa các phương thức vận tải. Cụ thể, đường sắt còn rất hạn chế, đường thủy nội địa nhiều tiềm năng nhưng chưa được đầu tư phát triển; năng lực cung cấp dịch vụ logistics chưa tương xứng với lợi thế về hạ tầng; vị thế logistics của từng địa phương chưa được phát huy.
“Chúng tôi tin rằng nếu so sánh với vùng kinh tế động lực phía Nam, thì số lượng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh vẫn còn ít hơn, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn có đủ năng lực cung cấp dịch vụ logistics tại khu vực này. Điều này sẽ dẫn đến năng lực cung cấp dịch vụ logistics của vùng chưa tương xứng với lợi thế đang có”, đại diện Hiệp hội Logistics Hà Nội nêu quan điểm.
PHÂN VAI THEO THẾ MẠNH CỦA TỪNG ĐỊA PHƯƠNG
Trước những yêu cầu trên, bà Hương nhấn mạnh, bài toán cần giải quyết là làm gì để phát triển logistics thực sự thúc đẩy liên kết của tam giác động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Theo đó, sẽ có 4 góc độ chính có thể tính đến khi phát triển logistics cho một vùng.
Thứ nhất, ở góc độ phân vai theo thế mạnh của địa phương, cần xác định rõ địa phương nào sẽ đóng vai trò kết nối xuất nhập khẩu, địa phương nào trung chuyển phục vụ sản xuất và địa phương nào là trung tâm phân phối phục vụ tiêu dùng.
Thứ hai, cần hướng đến giảm áp lực đối với địa phương đang có những áp lực nhất định với logistics, bài toán cụ thể là nâng cao vị thế cửa ngõ của Quảng Ninh. Bởi Quảng Ninh có vị thế kết nối quốc tế thông qua cửa ngõ đường biển và đường bộ nhưng chưa được khai thác hết mức, trong khi Hải Phòng cần đẩy mạnh vận tải đường sắt và đường thủy nội địa.
Thứ ba, câu chuyện quy hoạch vùng và liên kết các phương thức vận tải. Ngoài việc mỗi địa phương tự xây dựng quy hoạch của mình, cần giải quyết bài toán quy hoạch vùng, hướng đến trung tâm logistics chung của các địa phương này, từ đó kết nối được tất cả các phương thức vận tải.
Cuối cùng, cần nâng cao chất lượng nhân lực logistics, cần nhiều hơn các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này ở các địa phương; phát triển mạng lưới đào tạo.
“Tuy nhiên, vai trò, vị thế của mỗi địa phương là hoàn toàn không giống nhau. Hà Nội sẽ phát huy vai trò trung tâm phân phối hàng hóa cho tiêu dùng và thương mại điện tử phục vụ thị trường toàn miền Bắc. Vì thế, Hà Nội nên hướng đến phát triển mô hình logistics nội đô dựa trên ứng dụng công nghệ. Trong khi đó, Hải Phòng và Quảng Ninh có vị thế tương đối giống nhau, đều là cửa ngõ kết nối Việt Nam và quốc tế bằng đường biển, riêng Quảng Ninh còn kết nối bằng đường bộ thông qua cửa khẩu Móng Cái”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội dẫn chứng.
Do đó, Hải Phòng, Quảng Ninh nên đi theo hướng phát triển các khu công nghiệp trên nền tảng logistics, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp logistics. Song song đó là phát huy vai trò cung cấp các dịch vụ logistics phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Từ những phân tích trên, bà Hương đề xuất một số giải pháp nên làm nhanh để phát triển logistics tại ba địa phương này. Đó là cần tạo cơ chế, thu hút luồng hàng để khai thác tối đa năng lực tuyến đường sắt Hà Nội - Cảng Hải Phòng; Hà Nội - Kép (Bắc Giang) - Cảng Cái Lân (Hạ Long). Đặc biệt, cần giải quyết các vấn đề tồn đọng của các cảng thủy nội địa Hà Nội, từ đó khai thác được tuyến vận tải thủy nội địa kết nối Hải Phòng - Hà Nội.
Đồng thời, cần xây dựng chương trình hợp tác giữa các hiệp hội logistics/hiệp hội ngành nghề của các địa phương, thông qua đó thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế khung để thu hút doanh nghiệp logistics lớn đầu tư và hoạt động tại khu vực. Về nhân lực, cần hợp tác giữa các cơ sở đào tạo về logistics của Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tăng cường đào tạo nghề, đào tạo nghiệp vụ. Sớm có đề án xây dựng trung tâm logistics vùng giữa 3 địa phương.