UBND thành phố Hải Phòng đang đề xuất HĐND thành phố thông qua gói tài chính hỗ trợ đào tạo nghề từ nay đến năm 2030 với số tiền hơn 534 tỷ đồng, nhằm thu hút học sinh tốt nghiêp trung học cơ sở, trung học phổ thông học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng...
TỶ LỆ HỌC SINH THEO HỌC NGHỀ THẤP
Theo UBND TP. Hải Phòng, giai đoạn 2020-2023, Hải Phòng đặt mục tiêu mỗi năm có 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề, đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp nghề, 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học nghề cáo đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế, giai đoạn này, Hải Phòng mới có khoảng 11% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên để được đào tạo nghề trình độ sơ cấp, trung cấp. Tương tự, giai đoạn này, chỉ có khoảng 18% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo học tại các có sở giáo dục cao đẳng nghề.
Thực tế, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông theo học nghề thấp hơn kế hoạch giáo dục định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông khiến nguồn cung lao động có trình độ, kỹ năng cần thiết cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn Hải Phòng thiếu hụt lớn.
Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI khó thu hút lao động tại chỗ có chuyên môn, kỹ năng và ý thức về kỷ luật và tác phong công nghiệp. Do thiếu hụt cả số lượng và chất lượng, các doanh nghiệp tại Hải Phòng phải tuyển dụng khoảng 30% lao động ngoại tỉnh, phần lớn là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở mức thấp, chưa quen tác phong công nghiệp.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, UBND TP. Hải Phòng đề xuất sẽ hỗ trợ mạnh hơn trong đào tạo nguồn nhân lực, công nhân lành nghề nhằm thu hút thêm học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bổ sung đội ngũ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn cho nhu cầu sử dụng lao động của thành phố.
NHỮNG NGÀNH NGHỀ NÀO ĐƯỢC ƯU TIÊN HỖ TRỢ?
Với mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, trung tâm logistics quốc tế, trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ các ngành hàng hải, đại dương học, kinh tế biển… nên Hải Phòng lựa chọn ưu tiên hỗ trợ đào tạo 9 ngành nghề.
Cụ thể gồm nghề logistics, điện công nghiệp, hàn, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), quản trị khách sạn, điều dưỡng và nuôi trồng thuỷ sản nước mặn nước lợ. Đây được xác định là những nghề có khả năng đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Theo đó, những học sinh sau khi hoàn thành chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông đăng ký tham gia học 9 ngành nghề này, cam kết hoàn thành các khoá học trình độ trung cấp, cao đẳng, cam kết làm việc phù hợp nghề được đào tạo tại các cơ sở sản xuất kinh doanh tại Hải Phòng sẽ được hỗ trợ 50% học phí. Ngoài ra, học sinh, sinh viên theo học các nghề này còn được hỗ trợ them tiền sinh hoạt phí 900.000 đồng/tháng.
Những lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng mà chưa có bằng cấp, chứng chỉ nghề phù hợp với vị trị việc làm, được chủ sử dụng lao động cử đi học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng nghề cũng được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí như học sinh đi học.
Để nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên dạy nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng, thu hút cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân tham gia giảng dạy trình độ trung cấp, cao đẳng tại các trường công lập thuộc nhóm tự chủ 3 (các trường tự chủ một phần chi thường xuyên), Hải Phòng cũng hỗ trợ các khoản kinh phí bồi dưỡng kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo.
Dự kiến, mỗi năm, Hải Phòng sẽ chi hơn 76,4 tỷ đồng hỗ trợ cho sinh viên và giáo viên thuộc 9 ngành nghề ưu tiên kể trên. Việc hỗ trợ đào tạo 9 ngành nghề ưu tiên được thực hiện từ nay đến năm 2030. Tổng kinh phí hỗ trợ sẽ khoảng hơn 534 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Hải Phòng hiện có 1 khu kinh tế và 14 khu công nghiệp đang hoạt động thu hút hơn 194.000 lao động, trong đó, có hơn 190.000 lao động trong nước, hơn 4.000 lao động nước ngoài. Tới đây, Hải Phòng dự định thành lập thêm Khu kinh tế phía Nam và một số khu, cụm công nghiệp nên nhu cầu tuyển dụng lao động cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy, chính sách hỗ trợ này được xem như đòn bẩy giúp Hải Phòng bổ sung thêm nguồn lao động có trình độ chuyên môn và ý thức về kỷ luật, tác phong công nghiệp.