HĐND TP. Hải Phòng đã thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND về xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, trong đó, có điều chỉnh một số tiêu chí, tăng tổng vốn đầu tư công nhưng hơn 2.378,8 tỷ đồng vốn đầu tư công phải chuyển sang giai đoạn 2026-2030.
137 XÃ NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU
Trước đó, ngày 18/7/2023, HĐND TP. Hải Phòng thông qua nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND về xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu xây dựng nông thôn mới nhằm đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện sinh hoạt của người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, phát huy tiềm năng thế mạnh thực tế của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Cùng với đó, Hải Phòng sẽ xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn đảm bảo đồng bộ và hiện đại theo hướng đô thị, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biển đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tại cấp xã có 100% số xã (137 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (trừ 4 xã Đồng Bài, Nghĩa Lộ, Hoàng Châu, Văn Phong thuộc huyện Cát Hải không triển khai vì năm trong quy hoạch khu công nghiệp và dịch vụ hậu cần cảng biển).
Tại cấp huyện có 4 huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thuỵ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tiếp tục đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu (sau khi có hướng dẫn của Trung ương).
Huyện Cát Hải giữ vững kết quả đạt chuẩn huyện nông thôn mới, hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu cảu Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Huyện Bạch Long Vỹ đạt chuẩn huyện nông thôn ới theo tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù. Thực hiện đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thuỷ nguyên, thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương.
Tại cấp thành phố, Hải Phòng sẽ là thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Nguồn lực thực hiện chủ yếu là ngân sách thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn ngân sách thành phố bố trí trực tiếp giai đoạn 2021-2025 là hơn 15.475,6 tỷ đồng (gồm vốn đầu tư công 15.307,6 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 168 tỷ đồng).
CẢI THIỆN HẠ TẦNG NÔNG THÔN
Cụ thể, sẽ có 70% đường trục chính từ đường huyện về trung tâm xã và đường liên xã được trải nhựa mặt rộng tối thiểu 9m, có vỉa hè hoặc lề đường, có rãnh thoát nước, điện chiếu sáng khu dân cư. 70% đường trục chính từ xã về các thôn, trục chính liên thôn được trải nhựa mặt rộng tối thiểu 7m, có vỉa hè hoặc lề đường, có rãnh thoát nước, điện chiếu sáng khu dân cư.
Tại các xã có 50% đường trục thôn được trải nhựa hoặc bê tông mặt rộng tối thiểu 5,5m có rãnh thoát nước, điện chiếu sáng, 50% đường ngõ xóm được trải nhựa hoặc bê tông mặt rộng tối thiểu 3,5m, có rãnh thoát nước, điện chiếu sáng.
Toàn bộ trường học các cấp trên địa bàn các xã (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và mỗi xã có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Toàn bộ trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn các huyện đạt tiêu chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên, trong đó, 4 huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thuỵ mỗi huyện có ít nhất 1 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 85 triệu đồng/ người/ năm, không còn hộ nghèo đa chiều. Tất cả người dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn, 50% số hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, 98% chất thải rắn được thu gom xử lý, 100% bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được xử lý, khắc phục ô nhiêm, cải tạo và phục hồi môi trường, 90% dân số được quản lý sức khoẻ, 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, 100% các xã có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên.
TẠI SAO PHẢI ĐIỀU CHỈNH?
Theo UBND TP. Hải Phòng, giai đoạn 2021-2023, thành phố đã triển khai đầu tư xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 92 xã, năm 2024 tiếp tục thực hiện tại 45 xã còn lại, đảm bảo năm 2025 có 100% xã cơ bản đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố đã phân bổ 10.442,535 tỷ đồng vốn đầu tư công triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 137 xã.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án xã nông thôn mới kiểu mẫu đòi hỏi cần có thời gian để thực hiện từ việc lập, phê duyệt dự án, đấu thầu lựa chọn nhà thầu đến vận động nhân dân tặng cho quyền sử dụng đất để giải phóng mặt bằng. Ước tính, có 32 xã sẽ khó hoàn thành việc thi công, giải ngân, thanh quyết toán 100% các dự án trong năm 2025.
Hơn nữa, do thành phố hụt ngân sách nên ngày 12/3/2024, Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ về phương án điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, dự kiến giai đoạn 2021-2025 chỉ cân đối được cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 12.928,7 tỷ đồng. Số còn thiếu (hơn 2.378,8 tỷ đồng) sẽ tiếp tục được cân đối bổ sung trong năm 2026 hoặc trong giai đoạn 2024-2025 khi thành phố có phát sinh nguồn vốn đầu tư công hoặc nguồn tiết kiệm đầu tư từ các xã.
Ngày 11/4/2024, Thành uỷ Hải Phòng đã có thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Thành uỷ đồng ý chủ trương phương án điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn thành phố giai đoạn 2021-2025 theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố. Như vậy dự kiến số vốn đầu tư công hơn 2.378,8 còn lại sẽ được bố trí sang giai đoạn 2026-2030.
ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU, GIÃN TIẾN ĐỘ
Theo UBND TP. Hải Phòng, để đảm bảo việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố thống nhất với phương án điều hành đầu tư công trung hạn, phù hợp với quy định của Trung ương cũng như thực tế tại địa phương, việc ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là cần thiết.
Tại nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố, phần mục tiêu chung trước đây là 100% số xã (137 xã) “đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu” được sửa đổi thành “cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”. Và mục tiêu 100% các xã “có dịch vụ công trực tuyến từ cấp độ 3 trở lên” được sửa thành “có dịch vụ công trực tuyến một phần hoặc toàn trình”.
Cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung về nguyên tắc phân bổ, tiêu chí phân bổ nguồn lực, tổng vốn ngân sách thành phố “bố trí trực tiếp giai đoạn 2021-2025 là 15.475,62 tỷ đồng” được sửa thành “tổng vốn ngân sách thành phố bố trí là 15.663,337 tỷ đồng (gồm 15.495,317 tỷ đồng vốn đầu tư công và hơn 168 tỷ đồng vốn sự nghiệp-pv), trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 13.284,485 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 2.378,852 tỷ đồng”.
Trong số 15.495,317 tỷ đồng vốn đầu tư công có 15.295,317 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, 110 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao đảm bảo hoàn thành trong năm 2025 (Vĩnh Bảo 20 tỷ đồng, Tiên Lãng 33 tỷ đồng, Kiến Thuỵ 20 tỷ đồng, An Lão 37 tỷ đồng), 90 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng huyện nông thôn mới đặc thù Bạch Long Vỹ đảm bảo hoàn thành trong năm 2025.