Theo Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên – Môi trường TP. Hải Phòng), mặc dù chất lượng môi trường không khí tại nhiều thời điểm, tại nhiều điểm quan trắc có hàm lượng bụi lơ lửng, tiếng ồn vượt giới hạn cho phép nhưng cơ bản, chất lượng không khí của Hải Phòng vẫn tốt. Chất lượng không khí bị ô nhiễm bởi bụi lơ lửng chỉ ảnh hưởng tới những người nhạy cảm với môi trường, những người này nên hạn chế thời gian ở bên ngoài.
BỤI LƠ LỬNG TRONG KHÔNG KHÍ VƯỢT NGƯỠNG
Theo Chi cục bảo vệ môi trường, kết quả quan trắc tại 40 điểm qua 7 đợt quan trắc (năm 2023) cho thấy chất lượng môi trường không khí xung quanh thành phố Hải Phòng đang có dấu hiệu ô nhiễm bởi bụi lơ lửng và tiến ồn do ảnh hưởng của các hoạt động tại các làng nghề, hoạt động xử lý chất thải, hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và dân sinh. Trong đó, tại các khu vực ảnh hưởng bởi làng nghề đúc Mỹ Đồng, làng khai thác đá Lại Xuân (huyện Thuỷ Nguyên) hàm lượng bụi lơ lửng 100% vượt ngưỡng giới hạn cho phép theo QCVN05:2023/BTNMT. Tại các điểm ảnh hưởng bởi hoạt động của làng nghề phế liệu Tràng Minh (quận Kiến An), bãi rác Gia Minh (huyện Thuỷ Nguyên) bụi lơ lửng 9,26% vượt ngưỡng giới hạn cho phép theo QCVN05:2023/BTNMT.
Tại các điểm ảnh hưởng bởi hoạt động công nghiệp hàm lượng bụi lơ lửng 30,68 vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Trong đó, các điểm nóng về ô nhiễm bụi lơ lửng bởi hoạt động công nghiệp là Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, khu công nghiệp Đình Vũ, khu công nghiệp An Dương (huyện An Dương), các cụm công nghiệp tàu thuỷ An Hồng (huyện An Dương), cụm công nghiệp Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo), cụm công nghiệp Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) và các điểm công nghiệp Quốc Tuấn (huyện An Dương), Tam Hưng, thị trấn Minh Đức (huyện Thuỷ Nguyên), Trường Sơn (huyện An Lão) và Hải Thành (Dương Kinh).
Các điểm ảnh hưởng bởi hoạt động giao thông kết quả quan trắc hàm lượng bụi lơ lửng 60,19% vượt ngưỡng giới hạn cho phép, tiếng ồn 26,85% vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Các điểm nóng về ô nhiễm bụi lơ lửng, tiếng ồn do hoạt động giao thông là nút giao khu vực ngã 3 Đình Vũ (quận Hải An), khu vực ngã tư Tôn Đức Thắng – Nguyễn Văn Linh (quận Lê Chân và huyện An Dương), khu vực đường Lê Duẩn – Trần Nhân Tông (quận Kiến An).
Theo Chi cục bảo vệ môi trường TP. Hải Phòng, dựa trên tính toán chỉ số chất lượng không khí hang ngày AQI (Air Quality Index), Hải Phòng vẫn có 20,42% chất lượng không khí ở mức tốt, không ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân, 79,58% ở mức trung bình, đối với người nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch có thể chịu tác động nhất định tới sức khoẻ, nên hạn chế thời gian ở bên ngoài.
CHẤT LƯỢNG NƯỚC ĐÁNG BÁO ĐỘNG
Kết quả quan trắc mẫu nước tại qua 6 đợt quan trắc năm 2023 với với 5 hồ lớn trong khu vực nội thành thì hồ An Biên có thông số BOD5 và COD vượt 16,7%, Amoni (NH4) vượt 100%, hồ Phương Lưu thông số Amoni vượt 50%, hồ Tiên Nga thông số Amoni vượt 100%, hồ Dư Hàng thông số BOD5 vượt 66,7% thông số COD vượt 50%, hồ Sen thông số Amoni vượt 100%.
Trong các con kênh thoát nước thì kênh An Kim Hải (đoạn đầu thuộc huyện An Dương) thông số BOD5 và COD vượt thấp nhất cùng là 16,7% nhưng thông số Amoni vượt 100%. Cũng con kênh này tại cửa xả Hạ Đoạn (quận Hải An) và các kênh Đông Bắc, Tây Nam thì thông số BOD5 đều vượt 100%, thông số COD vượt 83,3%, thông số Amoni đều vượt 100%.
gồm các hồ An Biên, hồ Tiên Nga (quận Ngô Quyền), hồ Phương Lưu (quận Ngô Quyền - quận Hải An), hồ Dư Hàng, hồ Sen (quận Lê Chân) cũng thể hiện hàm lượng chất hữu cơ dễ bị phân huỷ sinh học trong nước (các thông số BOD5, COD), hàm lượng Amoni (NH4) đều vượt từ 16- 50% so với tiêu chuẩn cho phép.
Các kênh An Kim Hải (chảy qua các quận Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An), kênh Đông Bắc (quận Ngô Quyền), kên Tây Nam (quận Lê Chân) tình trạng nước nhiễm bẩn còn ở mức cao hơn, các chỉ số dầu, mỡ đều vượt từ 66,7 đến 83,3%. Kênh An Kim Hải có lượng dầu mỡ vượt thấp nhất là 66,7%, còn các kênh Đông Bắc, Tây Nam đều có lượng dầu mỡ vượt 100%.
Hệ thống sông lớn chảy qua TP. Hải Phòng như sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Thái Bình, sông Hoá, sông Họng tại nhiều thời điểm, tại nhiều khu vực lấy mẫu quan trắc cũng ghi nhận có nhiều mẫu Amoni, Coliform Nitrit, Phosphat và sắt đều vượt ngưỡng giới hạn cho phép.
XÂY DỰNG LOẠT NHÀ MÁY XỬ LÝ NGĂN CHẶN NGUY CƠ Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC
Chất lượng nước dưới lòng đất tại khu vực được quan trắc, phân tích mẫu trên địa bàn 9 quận, huyện cũng ghi nhận bị ô nhiễm vi sinh. Trong đó, huyện đảo Cát Hải có mức ô nhiễm vi sinh thấp nhất, chỉ vượt 0,7% giới hạn cho phép. Các quận huyện Hải An, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng và An Dương có các mẫu vượt giới hạn cho phép cao nhất, lần lượt vượt từ 11,8- 20,6%. Ngoài ô nhiễm vi sinh, chất lượng nước ngầm tại các khu vực này còn bị ô nhiễm vật lý, dinh dưỡng, kim loại. Việc ô nhiễm nguồn nước ngầm tại các quận huyện này có xu hướng tăng dần, năm sau cao hơn năm trước.
Theo Chi cục bảo vệ môi trường Hải Phòng, nguyên nhân gây ô nhiễm bụi lơ lửng, tiếng ồn chủ yếu phát sinh do hoạt động xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp. Ô nhiễm nguồn nước mặt do việc xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp đang ngày càng gia tăng do áp lực tăng dân số. Còn ô nhiễm nguồn nước ngầm chủ yếu do hoạt động khoan đào giếng lấy nước sinh hoạt, khoan khảo sát địa chất, công trình nhưng sau khi thực hiện xong không trám lấp theo quy định.
Để bảo vệ nguồn nước, Hải Phòng sẽ ưu tiên xây dựng 30 nhà máy xử lý nước thải tập trung. Trong số này, có 17 nhà máy xử lý nước thải đô thị, 13 nhà máy xử lý nước thải tại các đô thị vệ tinh, thị trấn. Đến nay, Hải Phòng mới xây dựng được 2 nhà máy nước thải là Nhà máy nước thải Vĩnh Niệm (quận Lê Chân), nhà náy nước thải Tràng Minh (quận Kiến An) để xử lý nước thải trước khi xả thải vào nguồn nước chung.
Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng đã xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các đô thị vệ tinh như thị trấn Rế (huyện An Dương), thị trấn Núi Đối (huyện Kiến Thuỵ), thị trấn An Lão (huyện An Lão), đô thị quận Kiến An để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trước khi xả thải vào nguồn nước chung của TP nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước.