Theo báo cáo của các lãnh đạo địa phương tại buổi làm việc ngày 26/9, trong 9 tháng cả 3 địa phương đều duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao. Tỉnh Quảng Ninh tăng trưởng kinh tế đạt 9,94% dự kiến cả năm đạt trên 11%. Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, du lịch đều đạt được nhiều kết quả khả quan.
Với Hải Dương, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 38.478 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Thành phố Hải Phòng đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài với khoảng 3,5 tỷ USD, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022, vượt 72% kế hoạch năm. Quảng Ninh và Hải Phòng đều thu hút FDI vượt mục tiêu đề ra, doanh thu du lịch dự báo vượt mức trước thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19.
Riêng hoạt động xuất nhập khẩu, cả 3 địa phương đều đạt mức tăng trưởng trên 14%. Về giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Quảng Ninh và Hải Phòng đạt tỉ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân cả nước, lần lượt là 82% và 52%, tuy nhiên Hải Dương mới chỉ đạt 38%.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các địa phương đã có những đề xuất, kiến nghị Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chỉ tiêu sử dụng đất, đấu giá đất, lấn biển, mua sắm trang thiết bị y tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về xử phạt hành chính, nhà ở xã hội, đầu tư cho các công trình cấp bách để cung cấp điện cho các dự án mới…
Kết luận tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao sự năng động của cả 3 địa phương trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế với mức tăng trưởng thuộc nhóm đầu cả nước, đặc biệt biểu dương 3 địa phương đã rất chú trọng đến việc nâng cao tính kết nối để thúc đẩy nhau cùng phát triển, nhất là về hạ tầng giao thông.
Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể, trong lúc kinh tế đang trải qua nhiều khó khăn, chính sách đẩy mạnh đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu, để vừa tháo gỡ những nút thắt về hạ tầng của các địa phương, vừa đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vì thế các địa phương phải tập trung cao độ cho nhiệm vụ này.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tham mưu Chính phủ phân công các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại. Trước đó, vào ngày 25/9, Đoàn công tác Chính phủ đã làm việc và thị sát một số khu vực về tình hình công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương.
Kết luận sơ bộ cho thấy tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng tội phạm ma túy thường lợi dụng địa hình và kẽ hở, sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách tạo thuận lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quy trình thủ tục hải quan… để trà trộn, cất giấu, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào, Campuchia về Việt Nam.
Hoạt động, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trên khu vực biên giới biển, cửu khẩu cảng Hải Phòng vẫn diễn ra phức tạp, chủ yếu là xăng dầu, than, cát, pháo nổ…
Trong thị trường nội địa, tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với phương thức, thủ đoạn có tổ chức, tinh vi từ các kênh sản xuất đến phân phối, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát thị trường...
Tuy nhiên, dù gặp nhiều khó khăn biến động như trên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của 3 địa phương cơ bản đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng thành viên Ban Chỉ đạo 389 tại các địa phương, nhất là tại các khu vực biên giới, cảng biển, vùng biển của Hải Phòng và Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), đặc biệt ghi nhận nỗ lực của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hải Phòng trong thời gian qua. Đồng thời cũng lưu ý TP. Hải Phòng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Những kết quả đạt được trong thời gian qua còn khiêm tốn, phương thức, thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực này ngày càng tinh vi, trong khi hành lang pháp lý còn bất cập, chưa hoàn thiện...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các lực lượng chức năng của các địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm soát tàu thuyền hoạt động tại khu vực giáp danh đường phân định Việt Nam - Trung Quốc, tập trung vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng để chủ động kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vận chuyển, sang mạn trái phép hàng hóa, mua bán, vận chuyển hàng cấm.
Cùng với đó, các địa phương cũng cần thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về diễn biến tình hình giữa các ngành, lực lượng chức năng nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và cả nguy cơ cháy nổ, bao gồm cả nguy cơ cháy nổ chung cư và container chứa hóa chất.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng chú trọng bảo vệ cán bộ của mình trước mọi cám dỗ; tăng cường công tác phối hợp; làm tốt hơn nữa cải cách hành chính và chuyển đổi số để tạo thuận lợi hơn nữa trong thông quan, giảm chi chí và thời gian cho doanh nghiệp trong khi vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước.