Theo lộ trình trong Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), dự kiến từ năm 2030, tiêu chí “cảng xanh” trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam sẽ là áp dụng bắt buộc, dựa trên 6 nhóm tiêu chí gồm: Nhận thức về cảng xanh; sử dụng tài nguyên; quản lý chất lượng môi trường; sử dụng năng lượng; ứng dụng công nghệ thông tin; giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Hải Phòng hiện đã là một thương hiệu lớn, sở hữu hệ thống cảng biển quy mô và hiện đại nhất miền Bắc (Việt Nam), tiếp nhận tàu trọng tải trên 145.000 tấn và kết nối trực tiếp đến các cảng biển chính ở châu Âu, châu Mỹ.
Năm 2023 doanh thu từ hoạt động dịch vụ cảng của Hải Phòng đạt hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 1,11% so với năm 2022. Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Hải Phòng cũng đã xác định rõ Hải Phòng sẽ trở thành thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới, tăng trưởng theo hướng xanh, dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia. Hiện tại, việc xanh hóa hệ thống cảng biển Việt Nam cũng như cảng Hải Phòng còn gặp rất nhiều khó khăn do việc đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố trong hoạt động hàng hải tại các cảng biển của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Việc xanh hóa các phương thức kết nối với cảng để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường cũng đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, vượt sức đối với nhiều doanh nghiệp. Hiện tại, Hải Phòng có 49 bến cảng thuộc hệ thống các cảng biển Việt Nam, nhưng số lượng các cảng có nến tảng phát triển xanh cũng rất hạn chế.
Trong đó có cảng Nam Đình Vũ đã được phát triển theo mô hình cảng xanh ngay từ ban đầu, với khoảng 90% các thiết bị tại cảng đều sử dụng năng lượng điện. Điều này đã góp phần biến lượng phát thải trực tiếp thành lượng phát thải gián tiếp, giảm hơn 50% tổng lượng carbon phát thải. Công ty đã đẩy mạnh việc số hoá, tự động hoá trong hoạt động khai thác như là sử dụng Smart Port, Smart Gate nhằm tối ưu hoá hoạt động cũng như nâng cao hoạt động khai thác và giúp giảm thiểu thời gian cũng như chi phí cho khách hàng.
Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng thường xuyên bổ sung, thay thế từ hệ thống chiếu sáng, từ bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn led với độ sáng cao. Đây là cơ sở để doanh nghiệp tiến tới việc đánh giá và công bố cảng xanh trong năm 2024.
Tại Chi nhánh cảng Tân Vũ (1 trong 5 cảng của Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng), sau thời gian thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm đến nay, tất cả các thao tác giao nhận container qua cổng cảng Tân Vũ đều được tự động hóa thông qua ứng dụng hệ thống Smart Gate. Việc chuyển sang mô hình cảng điện tử này đã giúp khách hàng không phải đến cảng làm thủ tục trực tiếp như trước, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, góp phần giảm lượng khí thải carbon từ phương tiện vận tải…
Ngoài một số đơn vị nêu trên, về cơ bản những doanh nghiệp dịch vụ cảng còn lại trên địa bàn Hải Phòng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nâng cấp theo yêu cầu phát triển cảng xanh, do hệ thống hạ tầng đã cũ từ vài chục năm, để thay đổi đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn…
Tại Hội thảo “Đạt mục tiêu Net - Zero: Hoa Kỳ - Việt Nam, Giảm phát thải carbon trong sản xuất công nghiệp tại thành phố Hải Phòng” vừa diễn ra, phát triển cảng xanh được đại diện Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm, với khẳng định mô hình cảng thông minh, phát triển xanh là lựa chọn tất yếu trong bước chuyển mình của các doanh nghiệp cảng biển tại Hải Phòng cũng như Việt Nam.
Mới đây, Cảng New York và New Jersey đã có Bản ghi nhớ hợp tác với TP. Hải Phòng và các nhà đầu tư Việt Nam, Hoa Kỳ trong các lĩnh vực như hợp tác nghiên cứu Cảng tổng hợp nam Đồ Sơn, Cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng, hệ thống đường sắt và kho vận (logistics) và trung tâm thương mại thế giới Hải Phòng theo mô hình trung tâm thương mại thế giới do Cảng New York và New Jersey đang sở hữu và vận hành.
Theo chia sẻ của Ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C, có rất nhiều yếu tố để xây dựng cảng xanh, đó là áp dụng động cơ và tuabin xanh, phải đảm bảo tất cả các đơn vị vận hành ở cảng phải áp dụng một nguyên tắc về năng lượng xanh.
Tuy nhiên, với thực tế hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng cảng của Việt Nam nói chung cũng như Hải Phòng nói riêng đã cũ cùng khó khăn về nguồn vốn đầu tư, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần phải có sự đồng hành với các doanh nghiệp, tìm kiếm những giải pháp dài hơi để phát triển cảng biển xanh, bền vững đúng tiêu chuẩn quốc tế.