Trước đó, ngày 22/4/2020, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các Cục Thuế địa phương: từ thời điểm Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực (từ 1/1/2011) thư tín dụng (L/C) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán (theo quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010).
Như vậy, giao dịch L/C sẽ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ L/C không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không, đều phải chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2011.
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Thuế giá trị gia tăng với hoạt động thư tín dụng" ngày 11/5, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, quy định này chưa phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật chuyên ngành ngân hàng, ảnh hưởng đến cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Ông Hùng phân tích, theo Quy tắc và Thực hành thống nhất Tín dụng chứng từ (UCP 600), L/C là cam kết thanh toán/bảo lãnh của ngân hàng, nếu người mua không thanh toán đúng hạn thì ngân hàng phải cho vay bắt buộc.
Vì vậy, về bản chất, L/C là hoạt động bảo lãnh ngân hàng và được coi là hình thức cấp tín dụng. Nên khi các ngân hàng phát hành L/C đều phải thẩm định hồ sơ của khách hàng theo đúng quy trình, bảo lãnh, cho vay,... Do đó, phần lớn các nước trong khu vực và trên thế giới không áp dụng thu thuế giá trị gia tăng của khách hàng đối với nghiệp vụ L/C. Thuế này được tính vào chi phí.
Phần lớn các nước trong khu vực và trên thế giới không áp dụng thu thuế giá trị gia tăng của khách hàng đối với nghiệp vụ L/C. Thuế này được tính vào chi phí.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng tình, trên bình diện quốc tế, điển hình là Mỹ, khách hàng không phải chịu thuế cho hoạt động L/C.
Theo quan điểm của ông Hiếu, L/C vừa là cung cấp tín dụng và vừa là thanh toán. “Như khi giao dịch với nhà nhập khẩu của Nhật, doanh nghiệp thông qua ngân hàng mở L/C. Trong trường hợp L/C này là một loại bảo lãnh tín dụng thay vì ngân hàng phải phát thư bảo lãnh cho nhà xuất khẩu. Nếu nhà xuất khẩu không trả tiền hoặc hàng thì ngân hàng trả. Như vậy ngân hàng không phải cho vay tiền mà cho vay uy tín", ông Hiếu dẫn chứng.
Hơn nữa, trong nước, pháp luật chuyên ngành từ năm 2011 đến nay đều quy định thư tín dụng là nghiệp vụ lưỡng tính. Tức, vừa là hình thức cấp tín dụng (trường hợp ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận thư tín dụng...), vừa là hoạt động thanh toán (khi ngân hàng chỉ đóng vai trò là người cung cấp các dịch vụ thanh toán như thông báo thư tín dụng, chuyển nhượng thư tín dụng…).
Không chỉ vậy, theo ông Hùng, việc yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát để nộp thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ L/C trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi và bất hợp lý, tạo gánh nặng tài chính rất lớn đối với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.
Chưa kể, với khoảng thời gian 10 năm (từ năm 2011 đến nay) đã có rất nhiều thay đổi. Có nhiều khách hàng không còn quan hệ giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc đã giải thể, phá sản nên tổ chức tín dụng không thể thu thuế bổ sung được và họ cũng không thể ứng tiền ra để nộp thay cho doanh nghiệp.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng thừa nhận, thu thuế với L/C nếu phân tích cụm từ “L/C” thì vừa đúng luật, vừa trái luật. Đúng với phần dịch vụ thanh toán và sai với phần tín dụng. Trong khi đó, L/C là thư tín dụng.
“Khái niệm cơ bản của “L/C” vẫn còn nhiều rắc rối. Chúng ta nên bóc tách nghiệp vụ để giải quyết. Ngành thuế và ngân hàng cần ngồi lại, cùng nhau bóc tách xem cái gì thu, cái gì không. Thu phải đúng và không thiếu một đồng, cũng như không đúng thì không thể truy thu dù chỉ một đồng".
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế đồng tình, cần làm rõ khái niệm L/C là gì. Bởi hiện nay có hai cách hiểu về L/C. Một bên coi là một phương thức thanh toán, một bên coi đây là một hình thức bảo lãnh.
L/C chỉ đơn giản là thanh toán thì chịu thuế giá trị gia tăng. Thư tín dụng mà tính chất bảo lãnh thì không chịu thuế GTGT. Nói như vậy có nghĩa, việc gộp cả 2 đều phải chịu thuế là không khách quan.
Do đó, “cần phải tách ra hai phần: L/C để thanh toán thì phải chịu thuế, L/C mang tính chất để bảo lãnh an toàn trong thanh toán thì đối tượng đó sẽ thuộc đối tượng cấp tín dụng và là hoạt động bảo lãnh không chịu thuế giá trị gia tăng”, bà Cúc kiến nghị.
Đồng tình với các ý kiến trên, bà Trúc Nguyễn, đại diện Nhóm Công tác các Ngân hàng nước ngoài, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đề xuất, đánh thuế hay không đánh thuế L/C cần phải được nghiên cứu kỹ. Chúng ta nên tham khảo thông lệ quốc tế về vấn đề này.
Đại diện VBF cũng cho rằng, không áp dụng hồi tố thuế giá trị gia tăng khi luật thuế chưa rõ. Nếu luật thuế thay đổi, nên áp dụng ngay lúc thời điểm luật thuế được ban hành. Ngoài ra, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu. Nên việc truy tìm lại các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh là gánh nặng cho toàn ngành kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu.