Tổng cục Hải quan cho biết ngày 20/3, tại cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng), Cục Hải quan Hải Phòng và Công an Hải Phòng khám xét 1 container 20 feet chứa ngà voi nhập lậu từ châu Phi.
Theo nguồn tin từ Cục Hải quan thành phố Hải Phòng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cục đã phân tích, đánh giá 6 container nghi vấn; trong đó xác định lô hàng gồm 3 container (khai báo là hạt lạc) có dấu hiệu rủi ro rất cao.
"Lô hàng xuất phát từ Angola, được chuyển tải tại Singapore nhằm che giấu tuyến đường vận chuyển; mô tả tên hàng hóa bằng ngôn ngữ không phổ thông và sử dụng thông tin người nhận hàng không chính xác... Đây là thủ đoạn mới, hết sức tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan", Tổng cục Hải quan bóc trần thủ đoạn.
Ngay khi hàng hóa được xếp dỡ xuống cảng, Cục Hải quan Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành giám sát trọng điểm, kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container và kiểm tra thủ công toàn bộ lô hàng sau khi phân tích hình ảnh có nghi vấn.
"Kết quả khám xét phát hiện trong container mang số hiệu UACU3786863 ước tính chứa khoảng 7 tấn ngà voi và là số lượng lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Hải Phòng", Tổng cục Hải quan khẳng định
Số voi châu Phi do Cục Hải quan Hải Phòng chủ trì bắt giữ thuộc phụ lục I của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, vi phạm quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.
Vụ việc bắt giữ cho thấy sự chủ động, hiệu quả trong công tác nghiên cứu, thu thập thông tin, xác định lô hàng trọng điểm của Cục Hải quan Hải Phòng đã kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng, có tính răn đe hiệu quả đối với các đối tượng khác đang có ý định buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa thuộc danh mục CITES về Việt Nam nhằm thu lợi bất chính.
Tổng cục Hải quan đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp.
Thông tin cụ thể về các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng, Tổng cục Hải quan cho hay các đối tượng thường khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ, trị giá hàng hóa...
Bên cạnh đó còn xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường nhằm qua mắt, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước như: không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hoá vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh ...
Trước tình hình trên, với vai trò cơ quan tham mưu, giúp việc cho cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính xây dựng báo cáo số 01/BC-BCĐ389 ngày 31/1/2023 tổng kết kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Theo đó, ban hành (i) các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; (ii) kế hoạch kiểm soát hải quan trong toàn ngành năm 2023; (iii) công văn triển khai công tác trọng tâm về thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ kiểm soát hải quan năm 2023; (iv) công văn triển khai Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế.
Cùng với đó, rà soát, đánh giá tổng thể những khó khăn vướng mắc, xây dựng phương án để tiếp tục triển khai Thông tư 1420/TT-BTC ngày 14/12/2018 hướng dẫn về thu thập, xử lý thông tin nhiệp vụ hải quan ở nước ngoài để nghiên cứu phương án phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan trọng việc phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thu thập, xử lý thông tin, nghiệp vụ.
Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 2, toàn ngành hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.259 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 465 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 3 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 12 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 27,5 tỷ đồng.