Năm 2022, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 352.000 tỷ đồng và đặt chỉ tiêu phấn đấu 420.000 tỷ đồng. Kết thúc năm, toàn ngành hải quan thu ngân sách đạt 437.383,3 tỷ đồng, vượt 24% so với dự toán, vượt chỉ tiêu phấn đấu và giữ đà tăng khả quan so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, ngành hải quan dành nhiều nỗ lực trên “mặt trận” chống thất thu thông qua công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành để phát hiện, xử lý kịp thời sai phạm; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; ngăn chặn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng; thu hồi và xử lý nợ thuế… Đây chính là những mảnh ghép giúp ngành hải quan hoàn thành nhiệm vụ chống thất thoát ngân sách nhà nước và về đích sớm nhiệm vụ thu ngân sách.
KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN BÓC TRẦN NHIỀU MẢNG TỐI
Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động kiểm tra sau thông quan 11 tháng đã ngăn chặn hành vi gian lận, trốn thuế, qua đó, nộp ngân sách trên 377 tỷ đồng. Việc kiểm tra sau thông quan còn giúp doanh nghiệp phát hiện những sai sót trong quy trình nghiệp vụ, tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn và tuân thủ tốt quy định của pháp luật.
Một vụ việc đáng chú ý được Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) triển khai trong năm 2022 là chuyên đề “Điều tra, xác minh và kiểm tra sau thông quan đối với các công ty có hoạt động nhập khẩu, sản xuất xuất khẩu hạt điều” sau khi nhận thấy những tháng đầu năm, lượng hạt điều nguyên liệu nhập khẩu tăng bất thường, nhất là từ thị trường Campuchia, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và giao Cục Kiểm tra sau thông quan là “chủ công” trong thực hiện chuyên đề kiểm tra.
Theo đó, Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện kiểm tra doanh nghiệp được giao trong kế hoạch; trình Tổng cục Hải quan giao Cục Điều tra chống buôn lậu điều tra xác minh 17 doanh nghiệp và giao Cục Hải quan, tỉnh thành phố kiểm tra 388 doanh nghiệp.
Lần theo dấu hiệu vi phạm về tỉnh Bình Phước - “thủ phủ” về trồng, xuất nhập khẩu, chế biến điều của Việt Nam, Cục Kiểm tra sau thông quan đã khởi tố 1 vụ án và chuyển thông tin vi phạm 4 doanh nghiệp cho Công an Bình Phước. Đây là vụ khởi tố đầu tiên do Cục thực hiện kể từ khi thành lập (năm 2003) đến nay.
Bóc trần “mảng tối” trong nhập khẩu mặt hàng này, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), cho hay các vi phạm được phát hiện đó là buôn lậu hàng hóa là hạt điều nhập khẩu theo loại hình miễn thuế; vi phạm quy định về quản lý nguyên liệu, vật tư sản xuất hàng xuất khẩu dẫn đến phát sinh chênh lệch giữa tồn hàng thực tế với tồn theo khai báo hải quan; vi phạm quy định về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi được cơ quan nhà nước chấp thuận cho tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn vi phạm quy định về khai báo sai so với thực tế về lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế; vi phạm quy định về việc cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu.
"Các hành vi gian lận trong nhập khẩu hạt điều sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước, uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam, gây thất thu ngân sách, Cục Kiểm tra sau thông quan tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai chuyên đề kiểm tra để làm rõ những nghi vấn, dấu hiệu bất thường về hoạt động xuất nhập khẩu hạt điều”.
“Đây là sự kiện ảnh hưởng lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu hạt điều tại Việt Nam, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi nhưng không để doanh nghiệp lợi dụng để vi phạm pháp luật”, ông Lộc khẳng định.
Chuyên đề cũng được thực hiện trên diện rộng, có tính chất ngăn chặn, răn đe đối với các hành vi sai phạm, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính và giữ vững uy tín thương hiệu Việt của một ngành hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới.
CHỐNG THẤT THU GẦN 1.200 TỶ ĐỒNG
Tổng cục Hải quan cho hay Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động giao thương, di chuyển giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan (FTA) với nhiều quốc gia và ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động ngoại thương. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong những điểm nóng các đối tượng buôn lậu hướng tới.
Bên cạnh nỗ lực chống thất thu 377 tỷ đồng nhờ hoạt động kiểm tra sau thông quan, ông Trần Bằng Toàn, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, kết quả đạt được từ các giải pháp chống thất thu trong 11 tháng đầu năm 2022 lên tới 1.170 tỷ đồng, nhờ sự cố gắng của nhiều đơn vị trong Tổng cục.
Thứ nhất, công tác chống buôn lậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, 11 tháng qua, Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng cộng 16.031 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan; số thu ngân sách nhà nước đạt 425,6 tỷ đồng. Cơ quan hải quan cũng ban hành 45 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 112 vụ.
Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những điểm nóng các đối tượng buôn lậu hướng tới khi mượn đường trung chuyển, quá cảnh để thẩm lậu hàng hóa, vận chuyển trái phép các chất ma túy; lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định để lẩn tránh, giả mạo xuất xứ Việt Nam.
Các đối tượng cũng lợi dụng chính sách miễn thuế đối với loại hình như nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, đầu tư, gia công để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp; lợi dụng loại hình quà biếu, quà tặng, tờ khai trị giá thấp để buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đối với các mặt hàng tiêu dùng, hàng cấm, ô tô…
"Bên cạnh phương thức, thủ đoạn thường dùng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ, trị giá hàng hóa... các đối tượng buôn lậu dùng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra nhấn mạnh.
Thứ hai, đối với công tác kiểm tra sau thông quan, toàn ngành thực hiện kiểm tra sau thông quan 2.637 cuộc, trong đó, 988 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 1.649 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 542,85 tỷ đồng, thực thu vào ngân sách 377,52 tỷ đồng như đã nêu trên.
Thứ ba, đối với công tác thanh tra, kiểm tra, toàn ngành thực hiện 105 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị truy thu hơn 59,58 tỷ đồng và thu nộp ngân sách 49 tỷ đồng.
Thứ tư, Tổng cục Hải quan cũng đốc thúc các đơn vị rà soát, thực hiện phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, tổ chức thực hiện thu hồi và xử lý nợ thuế đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ được giao. Tính trong 11 tháng, ngành hải quan đôn đốc thu hồi và xử lý nợ thuế đạt 318,08 tỷ đồng.
THU NGÂN SÁCH VỀ ĐÍCH TỪ SỚM
Bên cạnh nỗ lực trên “mặt trận” chống thất thu, nhờ ngành hải quan triển khai đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại và hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, vượt mốc kỷ lục trên 700 tỷ USD với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế 11 tháng đạt 139,71 tỷ USD, tăng 12,21% cùng kỳ, đưa ngành hải quan về đích thu ngân sách ngoạn mục trước 2 tháng. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu có thuế đạt 131,38 tỷ USD, tăng 11,2%; kim ngạch xuất khẩu có thuế đạt 8,33 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ.
Kết thúc năm 2022, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng với nhiều mặt hàng có thuế ghi nhận giá trị kim ngạch tăng cao giúp vượt thu ngân sách như: dầu thô, chất dẻo, hóa chất, xăng dầu, sắt thép, ô tô nguyên chiếc…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam