October 21, 2024 | 16:18 GMT+7

Hạn chế cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Cần giải pháp đồng bộ

Phan Linh -

Trao đổi với VnEconomy, các chuyên gia và thành viên thị trường cho rằng để thị trường trái phiếu không bị “đóng băng”, nhà đầu tư cá nhân vẫn có thể mua bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua việc đầu tư vào các quỹ đầu tư trái phiếu được cấp phép, giám sát bởi các cơ quản quản lý nhà nước chuyên ngành. Tuy nhiên, để cơ chế này diễn ra thuận lợi thì các quy định pháp luật cần được sửa đổi một cách đồng bộ…

Chuyên gia khuyến nghị nhiều giải pháp để thị trường trái phiếu tăng trưởng bền vững.
Chuyên gia khuyến nghị nhiều giải pháp để thị trường trái phiếu tăng trưởng bền vững.

Dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo; dự kiến được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV diễn ra từ 21/10 đến 30/11.

“THẮT” VÀ “MỞ” CẦN THỰC HIỆN SONG SONG

Dự thảo sửa đổi nhiều quy định quan trọng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; trái phiếu phát hành ra công chúng như: (1) sửa quy định về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, (2) dự kiến cấm cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, (3) bổ sung quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm.

Trao đổi với VnEconomy, bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán của VinaCapital, cho rằng việc giới hạn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với nhà đầu tư cá nhân sẽ giúp bảo vệ họ khỏi những rủi ro, thậm chí rủi ro rất lớn liên quan đến loại tài sản này.

Theo bà Thu, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại Việt Nam thời gian qua tồn tại những bất cập gắn với việc sức khỏe tài chính của nhiều tổ chức phát hành yếu kém, khả năng vỡ nợ trước các cú sốc bên ngoài là cao nhưng thông tin tài chính của những tổ chức phát hành này lại không rõ ràng, khó tiếp cận, khiến cho nhà đầu tư cá nhân, kể cả có trang bị kiến thức chuyên sâu về phân tích doanh nghiệp, cũng khó tiếp cận thông tin.

 

"Sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhiều khi lại được chào bán đơn thuần như một kênh thay thế tiền gửi tiết kiệm nhưng các kênh bán không phổ cập cụ thể với nhà đầu tư cá nhân về những rủi ro liên quan khiến nhiều nhà đầu tư có cái nhìn chưa đúng về kênh đầu tư này”.

Nguyễn Hoài Thu, CFA,  VinaCapital 

Bà Nguyễn Hoài Thu cho rằng nhà đầu tư cá nhân thực tế vẫn có thể tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua việc đầu tư vào các quỹ đầu tư trái phiếu, được quản lý bởi công ty quản lý quỹ là tổ chức đầu tư chuyên nghiệp được cấp phép, giám sát bởi các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Tuy nhiên, để điều này diễn ra thuận lợi thì các cơ quan quản lý cần sửa đổi các quy định một cách đồng để thị trường được thông suốt, không có điểm nghẽn.

“Hiện nay, các Quỹ mở trái phiếu chỉ được đầu tư tối đa 10% tổng tài sản quỹ vào trái phiếu riêng lẻ, còn lại phải đầu tư vào trái phiếu phát hành ra công chúng được niêm yết vốn dĩ rất ít trên thị trường. Vì thế, chúng tôi cho rằng cần có giải pháp song hành, đó là cân nhắc nâng hạn mức đầu tư 10% trái phiếu riêng lẻ của quỹ trái phiếu lên một mức hợp lý hơn. Bản thân quỹ đã là nhà đầu tư tổ chức và chuyên nghiệp, do đó có khả năng đánh giá các rủi ro liên quan trong việc mua trái phiếu riêng lẻ. Khi chúng ta thắt chỗ này (không cho nhà đầu tư cá nhân trực tiếp đầu tư trái phiếu riêng lẻ) thì đồng thời mở chỗ kia (tăng hạn mức đầu tư của Quỹ vào trái phiếu riêng lẻ lên 20% hay 30%), thì thị trường mới vận hành thông suốt”, bà Thu phân tích.

Vị chuyên gia này cho rằng việc sửa đổi này cũng khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn để tiếp cận được với đa dạng nhà đầu tư hơn, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. 

Hạn chế cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Cần giải pháp đồng bộ - Ảnh 1

Hiện nay, trái phiếu phát hành ra công chúng chỉ chiếm khoảng 7% toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp (còn lại là trái phiếu phát hành riêng lẻ); trong khi đó trái phiếu phát hành ra công chúng có điều kiện phát hành nghiêm ngặt hơn về cả sức khỏe của tổ chức phát hành lẫn điều kiện về công bố thông tin, việc tăng cường phát hành trái phiếu ra công chúng sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân tham gia vào các sản phẩm tài chính an toàn hơn. Việc này không chỉ bảo vệ nhà đầu tư mà còn giúp phát triển thị trường tài chính một cách bền vững hơn.

Điểm nghẽn của trái phiếu phát hành ra công chúng hiện nay  là thời gian phê duyệt hồ sơ trái phiếu. Việc rút gọn thời gian phê duyệt hồ sơ là một trong những điểm mấu chốt để doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn phương thức này thay vì phát hành trái phiếu riêng lẻ.

"Với doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ có thủ tục đơn giản và thời gian hoàn tất ngắn hơn rất nhiều, họ có thể phát hành trái phiếu trong vài ngày miễn là tìm được nhà đầu tư. Trong khi đó, việc phát hành trái phiếu ra công chúng với thời gian phê duyệt hồ sơ khoảng 6 tháng hoặc hơn, doanh nghiệp rất bị động trong phương án quản lý dòng tiền của mình, nhiều khi đợi phê duyệt không được, qua cả mốc thời gian họ cần vốn nên doanh nghiệp phải xoay xở những kênh khác để huy động vốn", bà Thu nói.

HẠ TẦNG MỀM CÒN SƠ SÀI 

Theo các chuyên gia, hạ tầng mềm cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường nợ nói chung (xếp hạng tín nhiệm, đường cong lãi suất…) tại Việt Nam còn sơ sài cũng là lực cản khiến thị trường khó phát triển.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho rằng tỷ lệ trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam gần như là chưa có, trong khi trung bình tỷ lệ này tại các nước Đông Nam Á là hơn 50%. Hiện, chỉ có Nghị định 155 có đề cập đế xếp hạng tín nhiệm trái phiếu trong khi Nghị định 65 chỉ mới đề cập xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành mà chưa đề cập yêu cầu xếp hạng với công cụ nợ hay trái phiếu. Trong khi đó, sản phẩm mà nhà đầu tư mua chính là lô trái phiếu cụ thể.

Hạn chế cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Cần giải pháp đồng bộ - Ảnh 2

“Trong chu kỳ phát triển mới của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ không chỉ quan tâm đến sức khỏe tài chính của tổ chức phát hành mà còn quan tâm tới cả chất lượng tín nhiệm của từng trái phiếu khác nhau, bởi vì mỗi đợt phát hành đều có những đặc điểm, điều khoản, điều kiện riêng ảnh hưởng tới khả năng thu hồi vốn của trái chủ”, Luật sư Hà nói.

Bà Nguyễn Hoài Thu cho biết việc thiếu hụt thông tin để đối chiếu và ra quyết định là thách thức lớn trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.

“Hiện nay, trên thị trường trái phiếu, điểm tích cực là đã có 4 công ty xếp hạng tín nhiệm; tuy nhiên số lượng các tổ chức phát hành được xếp hạng còn hạn chế, chúng tôi thống kê hiện nay mới có trên dưới 80 công ty có xếp hạng tín nhiệm trên tổng số 930 công ty phát hành trái phiếu trên thị trường”, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán của VinaCapital cho biết.

Theo các chuyên gia, để thị trường phát triển bền vững hơn, ngoài chú trọng tăng chất lượng của trái phiếu, các cơ quan quản lý cần tìm nhiều giải pháp tăng thanh khoản thị trường (việc đẩy mạnh khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu phát hành ra công chúng cũng góp phần tăng thanh khoản cho thị trường) và phổ cập việc xếp hạng tín nhiệm để nhà đầu tư hình thành thói quen hiểu đúng và đủ về sức khỏe tài chính của tổ chức phát hành cũng như trái phiếu họ mua.

“Khi tính minh bạch, thanh khoản tăng và xếp hạng tín nhiệm phổ biến hơn thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ hình thành được đường cong lợi suất. Đường cong lợi suất trái phiếu doanh nghiệp thể hiện mối tương quan giữa lãi suất và kỳ hạn của những trái phiếu có cùng mức xếp hạng tín nhiệm. Việc hình thành đường cong lợi suất trái phiếu doanh nghiệp không chỉ giúp nhà đầu tư, nhà phát hành có thêm thông tin cho việc quản trị rủi ro hay định giá trái phiếu doanh nghiệp, mà còn giúp các nhà hoạch định chính sách quản lý được sức khỏe và sự ổn định của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung”, bà Nguyễn Hoài Thu nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng việc hoàn thiện hạ tầng mềm cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nợ nói chung sẽ giúp các cơ quan quản lý dễ dàng chuyển đổi từ mô hình quản lý hành chính hiện nay sang quản lý dựa trên rủi ro.

Theo ông Hà, quản lý dựa trên rủi ro tập trung vào việc xác định, đo lường và giám sát các yếu tố rủi ro tiềm ẩn, cho phép các cơ quan quản lý điều chỉnh biện pháp giám sát dựa trên mức độ rủi ro thực tế của từng chủ thể hoặc từng giao dịch. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường mà vẫn đảm bảo an toàn, vì rủi ro được nhận diện và quản lý trước khi gây ra hậu quả tiêu cực.

Ví dụ, trong quản lý thị trường trái phiếu, nếu quản lý theo mệnh lệnh hành chính, cơ quan chức năng có thể yêu cầu tất cả doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải đáp ứng các điều kiện giống nhau về vốn và tín dụng. Tuy nhiên, trong quản lý dựa trên rủi ro, cơ quan quản lý sẽ xem xét mức độ tín nhiệm và khả năng trả nợ của từng doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp giám sát phù hợp, như vậy doanh nghiệp có độ tin cậy cao sẽ được ưu tiên các thủ tục đơn giản hơn, trong khi doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn sẽ phải đối mặt với các yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate