January 08, 2016 | 11:58 GMT+7

Hàn Quốc dùng K-pop đáp trả vụ Triều Tiên thử bom

An Huy

Đúng ngày sinh nhật của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ bật loa lớn dọc theo biên giới

Một dàn loa mà Hàn Quốc dựng lên gần biên giới với Triều Tiên để phát các chương trình phát thanh tuyên truyền - Ảnh: ABC/Reuters.<br>
Một dàn loa mà Hàn Quốc dựng lên gần biên giới với Triều Tiên để phát các chương trình phát thanh tuyên truyền - Ảnh: ABC/Reuters.<br>
Hàn Quốc sẽ dùng âm nhạc để trả đũa vụ thử hạt nhân thứ tư của Triều Tiên - hãng tin Bloomberg cho hay.

Từ buổi trưa ngày 8/1, đúng ngày sinh nhật của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Hàn Quốc sẽ bật loa lớn dọc theo biên giới giữa hai miền bán đảo, nối lại các chương trình phát thanh tuyên truyền của mình. Một nghị sỹ Quốc hội Hàn Quốc cho biết, việc thả truyền đơn vào lãnh thổ của Triều Tiên cũng là một biện pháp mà Seoul sẽ xem xét nối lại.

Lệnh trừng phạt mà Liên hiệp quốc áp dụng suốt nhiều năm không thể khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, có một thứ có thể khiến Kim Jong Un “khó chịu”. Đó là những bản ballad và nhạc rap của Hàn Quốc, thường được gọi là K-pop.

Dàn loa tuyên truyền của Hàn Quốc ở khu vực biên giới với Triều Tiên mới chỉ được sử dụng một lần trong vòng một thập kỷ qua. Đó là vào tháng 8 năm ngoái khi Hàn Quốc trả đũa vụ hai binh sỹ nước này bị thương vì mìn mà Seoul cho là Triều Tiên cài ở khu phi quân sự giữa hai miền.

Mâu thuẫn này giữa hai miền đã dẫn tới việc Triều Tiên công bố “tình trạng chiến tranh một phần”. Sau đó, Bình Nhưỡng và Seoul đã tiến hành đàm phán giảm căng thẳng. Để đổi lại việc Triều Tiên ngừng huy động lực lượng, Hàn Quốc phải chấp nhận tắt loa tuyên truyền ở biên giới.

“Ở Triều Tiên, Kim Jong Un được yêu mến. Và các chương trình tuyên truyền [của Hàn Quốc] khiến người Triều Tiên đặt ra những câu hỏi về điều này”, ông Park Chang Kwon, chuyên gia cấp cao thuộc Viện nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định. “Các chương trình phát thanh từ Hàn Quốc có thể lan truyền sâu rộng trong xã hội Triều Tiên, ngấm dần vào tâm trí người dân”.

Các chương trình phát thanh tuyên truyền của Hàn Quốc được xem là cách đáp trả “công nghệ thấp” đối với vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, nếu so với những lựa chọn như siết chặt lệnh trựng phạt, Hàn Quốc tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, hoặc gia tăng sự hiện diện của quân Mỹ ở phía Nam biên giới giữa hai miền.

Quốc hội Mỹ hiện đang tìm cách tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 7/1 đã hối thúc Trung Quốc có lập trường cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, các chương trình phát thanh từ bên kia biên giới thách thức thế độc quyền thông tin của Bình Nhưỡng.

Theo tin từ tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc hồi tháng 8/2015, hệ thống loa đã được lắp đặt tại 11 điểm dọc theo biên giới Hàn-Triều và phát các chương trình kéo dài từ 3-4 tiếng, vài lần mỗi ngày. Nội dung phát thanh bao gồm các bài hát K-Pop nổi tiếng như “Heart” của ca sỹ IU hay “Bang Bang Bang” của nhóm Big Bang, tầm quan trọng của nhân quyền, đời sống của người dân trung lưu ở Hàn Quốc...

Trước đó, vào tháng 10/2014, Triều Tiên đã bắn rơi một chùm bóng bay lớn mang theo truyền đơn từ Hàn Quốc, đồng thời dọa sẽ tấn công bằng pháo vào các nhà hoạt động thả tài liệu tuyên truyền ở khu vực biên giới.

Một số ý kiến cho rằng việc Hàn Quốc nối lại chương trình phát thanh tuyên truyền ở biên giới với Triều Tiên có thể “phản tác dụng”, xét tới mức độ mà các chương trình này khiến Bình Nhưỡng “khó chịu”.

Theo ông Cheong Seong Chang, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện nghiên cứu Sejong ở Seoul, Hàn Quốc, cách làm như vậy có thể khiến Triều Tiên bị rơi vào trạng thái bị kích động, thay vì giải quyết được vấn đề hạt nhân.

Nhất là khi Hàn Quốc phát thanh tuyên truyền vào đúng ngày sinh nhật của ông Kim - nhà lãnh đạo được cho là mới ngoài 30 tuổi  - “Triều Tiên có thể sẽ phản ứng rất mạnh mẽ, xem việc Hàn Quốc làm là một hành động nhằm phá hủy sự kiện trọng đại của đất nước”, ông Cheong cảnh báo.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate