April 12, 2023 | 15:53 GMT+7

Hàn Quốc thu hồi, ngừng bán sản phẩm ớt của Việt Nam do dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn

Vũ Khuê -

Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc thông báo thu hồi ớt Việt Nam do phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp 10 lần tiêu chuẩn...

Ớt Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc.
Ớt Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc.

Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết ngày 07/4/2023, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã ra thông báo sẽ ngừng bán và thu hồi sản phẩm ớt của Việt Nam sau khi kiểm tra và phát hiện ớt Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn.

Sản phẩm bị thu hồi là ớt Việt Nam có năm sản xuất 2021 và 2022 được nhập khẩu từ Công ty TNHH JM Food (Gongju-si, Chungcheongnam-do) và Công ty TNHH Thực phẩm Daelim Global (Gangseo-gu, Busan). Co., Ltd. (Gyeongsan-si, Gyeongsangbuk-do) đã bán các phân khu.

Sản phẩm được nhập khẩu dưới dạng ớt đỏ đông lạnh, sấy khô và chia nhỏ để bán tại Hàn Quốc và bị phát hiện không phù hợp sau khi kiểm tra.

Trong các sản phẩm này có phát hiện chất tricyclazole, loại thuốc trừ bệnh được sử dụng chủ yếu trong canh tác lúa, vượt tiêu chuẩn cho phép.

Mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bị phát hiện đối với hàng nhập khẩu của JM Food là 0,11mg/kg, gấp 11 lần tiêu chuẩn (dưới 0,01mg/kg) và hàng nhập khẩu của Daelim Global Food là 0,05mg/kg.

Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã ngay lập tức thu hồi sản phẩm và yêu cầu người tiêu dùng đã mua sản phẩm ngừng ăn và trả lại nơi mua.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 4.900 tấn ớt, với kim ngạch đạt 11,9 triệu USD. Cùng với hồ tiêu, quế, hồi, gừng, nghệ..., ớt được xếp vào nhóm gia vị. Thị trường chính của mặt hàng này là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước Ả Rập, Ấn Độ và Nga.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Hàn Quốc đạt 3,79 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 7,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhóm hàng gia vị, trong đó có ớt Việt Nam được thị trường này khá ưa chuộng.

Trước đó, tại cuộc họp giao ban Thương vụ của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc đã khuyến cáo việc các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến sang Hàn Quốc cần phải tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước sở tại.

Tiêu chuẩn của thị trường này với các sản phẩm nông thủy sản rất khắt khe, không kém châu Âu, Nhật Bản. Đặc biệt, Hàn Quốc rất khắt khe trong việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh và kháng sinh. 

Người tiêu dùng Hàn Quốc đẩy mạnh xu hướng tiêu dùng xanh, phát triển bền vững thông qua sử dụng các sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường, bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa. 

Do đó, để sản phẩm thực phẩm, rau quả tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc, ngoài chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.

“Do đó, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường Hàn Quốc”, ông Phạm Khắc Tuyên, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc nhấn mạnh. 

Trước Công hàm của Đại sứ Hàn Quốc, kèm thông báo yêu cầu kiểm tra của Bộ An toàn Dược phẩm và Thực phẩm Hàn Quốc đối với mặt hàng ớt dạng quả của Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (tỉnh có kim ngạch xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc lớn) đã có công văn đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các huyện, thị xã, thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận và các doanh nghiệp xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc, về việc kiểm tra an toàn thực phẩm của phía Hàn Quốc.

Theo đó, tỉnh yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp xuất khẩu ớt phải có kết quả kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do các phòng thử nghiệm được Bộ An toàn Dược phẩm và Thực phẩm Hàn Quốc chấp thuận kèm theo lô hàng xuất khẩu. Thời gian tạm thời áp dụng yêu cầu kiểm tra là 1 năm, bắt đầu từ ngày 31/3/2023 đến 30/3/2024.

Để việc sản xuất, kinh doanh xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc thuận lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu nói chung và Hàn Quốc nói riêng, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc cần tuân thủ nghiêm các quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm của Hàn Quốc và các quy định khác có liên quan theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

 

Bộ An toàn Dược phẩm và Thực phẩm Hàn Quốc yêu cầu cá nhân, doanh nghiệp xuất khẩu ớt Việt Nam phải có kết quả kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do các phòng thử nghiệm được Bộ này chấp thuận.

Tính đến hết tháng 2/2023, Bộ An toàn Dược phẩm và Thực phẩm Hàn Quốc chấp thuận 8 phòng thí nghiệm gồm: 6 Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1-6, đóng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Cần Thơ; cùng 2 phòng thí nghiệm độc lập là Công ty Intertek chi nhánh Cần Thơ và Công ty SGS Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

Ớt dạng quả, muốn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc cần có kết quả kiểm nghiệm của 8 phòng thí nghiệm trên kèm theo lô hàng xuất khẩu. Thời gian tạm thời áp dụng các yêu cầu kiểm tra nêu trên là 1 năm, bắt đầu từ ngày 31/3/2023 đến hết 30/3/2024.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate