Nhiều doanh nghiệp tích cực hưởng ứng chiến dịch bình ổn giá, tăng nguồn cung các mặt hàng tham gia bình ổn giá, tập trung ở mặt hàng thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống.
GIẢM GIÁ KÍCH CẦU
Nhằm kích cầu tiêu dùng cuối năm, hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) triển khai đồng loạt thực hiện chương trình tri ân khách hàng giảm giá hơn 40.000 sản phẩm.
Theo đó, từ ngày 27/10 - 9/11/2022, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile, Finelife, HTVCo.op, Co.oponline… trên cả nước đồng loạt thực hiện chương trình tri ân khách hàng với chủ đề “4 triệu tin yêu – một lòng tri ân” với 2 điểm nhấn chính là luân phiên giảm giá 14 ngày liên tục cho hơn 40.000 sản phẩm nhu yếu phẩm.
Trong cùng thời gian từ 27/10 – 09/11/2022, website trực tuyến www.cooponline.vn tổ chức chương trình “Cảm ơn bạn mỗi ngày”, với hóa đơn từ 1.000.000 đồng khách hàng sẽ được hoàn ngày 30.000 đ vào tài khoản thẻ (tương ứng 150 điểm), hóa đơn từ 2.000.000 đồng khách hàng sẽ được hoàn ngày 60.000 đồng vào tài khoản thẻ (tương ứng 300 điểm).
Tết năm nay, Co.opmart mong muốn khách hàng tiếp tục ủng hộ nhóm hàng đặc trưng, đặc sản của các địa phương, vùng miền đang có tại hệ thống.
Để chuẩn bị cho dịp Tết 2023, MM Mega Market Việt Nam (MM) lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20% - 30% so với Tết 2022 và tăng 40% - 50% so với những tháng bình thường. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt tăng đến 100%.
Là đơn vị cung ứng nguồn hàng hoá, tại công ty Vissan cũng đã xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 30% so với cùng kỳ và 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10% so với cùng kỳ với tổng giá trị hàng hóa hơn 710 tỷ đồng, tăng 10% so với tết Nhâm Dần năm 2022.
Đặc biệt, trong 3 ngày 28-29-30 Tết 2023, Vissan có chương trình khuyến mãi giảm giá sốc để tạo điều kiện cho người lao động chưa có điều kiện mua sắm Tết mua sắm thực phẩm đảm bảo chất lượng an toàn.
KIỀM CHẾ TĂNG GIÁ
Theo thống kê từ Sở Công Thương TP.HCM, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị dự trữ gần 40.000 tấn hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết Quý Mão 2023.
Trong đó, lương thực 5.253 tấn, đường 2.031 tấn, dầu ăn 2.356 tấn, thịt gia súc 5.603 tấn, thịt gia cầm 8.481, trứng gia cầm 54,4 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.485 tấn, rau củ quả 9.255 tấn, thủy hải sản 297 tấn và gia vị 1.600 tấn.
Đặc biệt, Sở Công Thương đã đôn đốc các doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng, dự trữ nguồn hàng chiếm 25-43% so với nhu cầu của người dân thành phố, đảm bảo không để xảy ra thiếu hụt hàng hóa dịp cuối năm.
Đại diện đơn vị MM dự đoán sức mua năm nay tăng từ 10%-20% so với dịp Tết 2022. Do đó, từ vài tháng trước, công ty đã liên tục làm việc với nhà cung cấp để duy trì mức giá ổn định, mang đến cho khách hàng mức giá cạnh tranh nhất có thể.
Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng cho biết hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op tăng lượng dự trữ từ 30%-50%, sẽ tập trung giảm giá mạnh cho nhóm hàng thực phẩm tươi sống trong dịp Tết 2023. Đơn vị dự báo sức mua tăng cao, nên từ tháng này bắt đầu chạy chương trình khuyến mãi Tết Nguyên đán, với hàng loạt đổi mới, gia tăng sự trải nghiệm cho người tiêu dùng.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, công tác tạo nguồn hàng bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố thời gian qua luôn gắn chặt với chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành lân cận để tạo điều kiện thuận lợi và kiểm soát trong lưu thông hàng hóa.
Các doanh nghiệp TP.HCM có thế mạnh trong sản xuất, chế biến và phân phối hàng hóa, có thị phần và nguồn lực vốn thực hiện liên kết, hợp tác với doanh nghiệp các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, thực hiện các dự án sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
“Từ nay đến Tết Nguyên đán 2023 chỉ còn chưa đầy 3 tháng, để ổn định thị trường, Sở Công Thương TP.HCM tiếp tục triển khai công tác bình ổn hàng hóa nhằm hạn chế việc tăng giá hàng tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm”, ông Phương cho biết.
Tháng 11/2022, TP.HCM sẽ phối hợp cùng các tỉnh, thành tổ chức chương trình “Kết nối cung - cầu”, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tập trung các nhóm đặc sản vùng miền, nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu.
Tháng 12/2022, TP.HCM dự kiến trưng bày, mua bán các nhóm hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm… khu vực Đông và Tây Nam bộ.