Trong những năm qua, các loại hàng hóa "Made in China" đã ít nhiều làm thay đổi tiện nghi, sinh hoạt vật chất, thậm chí cả nếp ăn nếp nghĩ của nhiều thành phần người Việt.
Người ta không khỏi đặt câu hỏi: Vì sao hàng Trung Quốc lại có thể chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và được người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận như vậy? Có thể thấy hàng Trung Quốc không thua về mẫu mã lại nổi trội về giá bán so với nhiều sản phẩm cùng loại của các hãng sản xuất có tiếng tăm trên thế giới.
Hàng giá rẻ tràn ngập
Dễ nhận thấy nhất là mặt hàng xe máy, thế mạnh của chúng theo đó rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, màu sắc và đặc biệt giá rất rẻ so với của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Đó là những chiếc xe máy với đầy đủ các tính năng và rất "mô đen", đáp ứng được thị hiếu người dùng trong đó có một bộ phận giới trẻ và thu nhập thấp. Và người tiêu dùng khi chọn mua hàng Trung Quốc cũng thường âm thầm "chấp nhận rủi ro tiềm ẩn" có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Giá cả thì cùng chủng loại, hàng Trung Quốc chỉ khoảng phân nửa hoặc một phần ba. Lấy ví dụ, một chiếc xe máy kiểu Dream thông dụng, hàng "xịn" có giá từ 15 đến vài mươi triệu đồng thì xe Trung Quốc chỉ từ 5-7 triệu đồng; chiếc "A còng" ú Nhật có giá lên vài ngàn USD thì xe Trung Quốc chỉ khoảng hơn ngàn USD.
Một mặt hàng không thể không kể đến khi chúng "liên tục bán phá giá" thị trường nội địa, đó là hàng điện tử gia dụng và kim khí điện máy. Những tivi, đầu máy, đĩa CD các loại, thiết bị máy tính, quạt điện, bình phích, nồi cơm điện, thậm chí đến cái "jack" cắm điện, con ốc vít, ăngten TV... đều có thể là hàng Trung Quốc. Một nồi cơm điện hiệu Tiger của Nhật có giá khoảng 1,5 triệu đồng, hiệu Philips của Hà Lan khoảng 800.000 ngàn đồng, của Thái Lan khoảng 500.000 đồng, thì hàng Trung Quốc cùng loại "rẻ như bèo", chỉ từ 120.000-150.000 đ/cái. Thời gian sử dụng những sản phẩm Trung Quốc, theo một số người thì "cũng không đến nỗi nào".
Ngoài ra, còn có thể kể thêm nhiều mặt hàng Trung Quốc đang hoành hành thị trường, ngoài những chủng loại cao cấp vừa kể, như vải vóc, quần áo may sẵn, giày dép thời trang, đồng hồ, nhất là đồ chơi trẻ em. Hầu hết các "thượng đế tí hon" đều rất mê đồ chơi Trung Quốc vì vừa đẹp, mới lạ lại ăn khách theo những bộ phim vừa được trình chiếu như siêu nhân, Batman, Superman...
"Thượng vàng hạ cám", đâu đâu cũng đều thấy hàng Trung Quốc len lỏi vào. người tiêu dùng thì thấy giá cả vừa phải, chấp nhận được, còn người bán thì vốn ít lời cao càng tạo cơ hội cho hàng Trung Quốc hiện diện và làm đau đầu không ít các nhà sản xuất trong nước cũng như các nhà nhập khẩu.
Hàng Trung Quốc gây ung thư?
Đầu tiên là sản phẩm son môi có chứa hoạt chất sudan gây ung thư. Thông tin này "gây sốc" không nhỏ tới đại bộ phận người tiêu dùng "xính" hàng Trung Quốc là những phụ nữ trẻ. Bởi trang điểm là một nhu cầu không thể thiếu của phụ nữ mà không phải ai cũng có điều kiện mua sắm những loại đắt tiền, hàng Trung Quốc loại này thậm chí còn rẻ hơn hàng trong nước.
Rồi vụ hoạt chất diethylene glycol, hóa chất độc hại, gây ung thư có trong kem đánh răng của Trung Quốc. Đến sự việc tương ớt, thực phẩm Trung Quốc gây ung thư. Gần đây nhất là những thông tin về chăn đệm, gối giường ngủ, quần áo trẻ em và đồ chơi bằng vải của Trung Quốc cũng có thể khiến người sử dụng tiếp xúc với các hóa chất độc hại gây ung thư, nguy hiểm đến tính mạng con người.
Ở Việt Nam chưa nghe nói có thông tin chính thức nào, nhưng nhật báo Sysney Morning Herald (Australia) đã công bố một tài liệu cho biết mùng mền hiệu Sheridan Indugence mà nước này nhập khẩu từ Trung Quốc đang được bày bán rộng rãi trên toàn lãnh thổ rộng lớn này, có chứa hàm lượng hoạt chất formaldehyde cao gấp 10 lần tiêu chuẩn quốc tế cho phép.
Cũng cần nói thêm rằng, những sản phẩm chăn màn, đệm gối từ Trung Quốc đang có mặt nhan nhản khắp Việt Nam từ Nam chí Bắc, và người tiêu dùng Việt Nam khá "mê" loại mặt hàng này. Bây giờ khi nghe nói đến hàng Trung Quốc, chắc chắn người tiêu dùng Việt Nam không còn "mê" như trước mà sẽ có thái độ e dè và thận trọng hơn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate