Thảo luận về Luật Điện lực sửa đổi chiều ngày 7/11, các đại biểu khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực, do Luật hiện hành thiếu nhiều nội dung đã và đang phát sinh trong thực tiễn, nên cần phải có căn cứ pháp lý cụ thể quy định, hướng dẫn để triển khai thực hiện, phù hợp với xu hướng phát triển chung.
ĐẦU TƯ ĐIỆN GIÓ GẦN BỜ VÀ ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI
Góp ý dự thảo luận, đại biểu Trần Quốc Tuấn, đoàn Trà Vinh, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần phải khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên sẵn có, nhất là các dự án điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới để đạt đồng thời 2 mục tiêu trên.
Hiện nay nguồn lực ngoài nhà nước đã và đang đầu tư vào lĩnh vực này rất nhiều, nếu thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, sẽ làm lãng phí lớn nguồn lực xã hội như nhiều trường hợp dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay đã hoàn thành nhưng không thể hoà lưới thương mại…
Về khái niệm “Nhà máy điện gió gần bờ” và khái niệm “Nhà máy điện gió ngoài khơi” nêu tại Khoản 5 Điều 31 và Khoản 1 Điều 39 Dự thảo Luật, đại biểu cho rằng cả 2 khái niệm này là chưa rõ, chưa thống nhất, khó xác định và sẽ dẫn đến khó thực hiện.
Ngoài ra, tại Điều 46 quy định điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung “hình thức đầu tư tư nhân và đầu tư có vốn nước ngoài trên nguyên tắc đảm bảo an ninh quốc phòng”.
Tại Điều 27 Dự thảo Luật, về Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đầu tư công. Đại biểu đề nghị cần bổ sung vào khoản 4 điều này với nội dung “loại hình điện gió trên biển” gồm cả “điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi”.
Đại biểu lý giải, ngoài loại hình điện khí, điện gió trên bờ và năng lượng mới được quy định trong dự thảo luật, thì hiện nay có nhiều nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi đang rất cần sự an toàn vốn khi bỏ ra một số tiền rất lớn để đầu tư.
Điển hình như họ cần sự bảo đảm của nhà nước trong bảo lãnh đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ, cam kết về chuyển giao công nghệ và sử dụng hàng hóa và dịch vụ trong nước…
“Nếu được bổ sung nội dung này, sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi tham gia phát triển điện lực trong nước, góp phần lớn vào việc vừa đạt mục tiêu vừa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng cũng vừa thực hiện đúng cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, đại biểu Tuấn nói.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cần có quy định chính sách ưu đãi thu hút đầu tư FDI và chuyển giao công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm trong sản xuất thiết bị điện gió đến Việt Nam đầu tư và chuyển giao công nghệ cho các đối tác trong nước. Điều này giúp nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế…
Ngoài ra, còn rất nhiều nội dung khác cần quan tâm, như các dự án điện gió ngoài khơi cần phải được điều chỉnh tại các điều khoản của Luật đầu tư và các dự án luật khác… để có đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện đầu tư các dự án trên biển….
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận, đề nghị bổ sung thêm loại hình “điện gió ngoài khơi” trong các loại hình điện để làm cơ sở cho triển khai thực hiện trên thực tế. Bởi lẽ Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi và hiện nay có nhiều nhà đầu tư đang xin chủ trương đầu tư loại hình này nhưng chưa được quy định trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần có điều khoản nhằm hạn chế các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi chuyển nhượng dự án cho các đối tác khác bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nhấn mạnh điện gió ngoài khơi là nội dung mới, có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo và liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành, cơ quan. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy, đoàn Thái Bình, đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ tác động, rà soát, bổ sung nội dung quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc phát triển điện gió ngoài khơi và có quy định cụ thể, chặt chẽ đối với điều kiện chuyển nhượng các dự án điện gió ngoài khơi.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định liên quan đến điện gió gần bờ và điện gió trên bờ để bảo đảm minh bạch, rõ ràng và thống nhất trong việc quản lý điện gió.
THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÁC NGUỒN NĂNG LƯỢNG XANH, NĂNG LƯỢNG MỚI
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, đoàn Bình Định, việc sửa đổi Luật Điện lực lần này không chỉ mang lại lợi ích cho ngành điện mà còn có tác động tích cực đến kinh tế xã hội nói chung, cung cấp đủ điện, khuyến khích năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội, sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, năng lượng gió được xem là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy nền kinh tế không carbon. Chuyển đổi năng lượng sạch và năng lượng tái tạo là một giải pháp cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về năng lượng sạch và giá cả phải chăng đến năm 2030 do Liên Hiệp quốc đề ra.
Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn năng lượng gió trong thời gian qua vẫn tiếp tục đối mặt với một số bất cập và thách thức như chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, công nghệ còn chưa đáp ứng được.
Từ Điều 36 đến Điều 38 thì quy định nhiều chính sách về phát triển điện lực, các điều khoản liên quan đến an ninh, quốc phòng, việc cấp phép đầu tư lĩnh vực điện gió ngoài khơi; tại Điều 41, Điều 42 về lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi. Đồng tình với các ý kiến, đại biểu cho rằng việc tạo hành lang pháp lý, qua đó sẽ thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực điện tái tạo, đảm bảo được sự yên tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Tham gia góp ý vấn đề năng lượng tái tạo, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh, nhận xét về khung chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, hiện nay, dự thảo luật chưa đề cập đầy đủ về cơ chế phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và thủy điện nhỏ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng việc thúc đẩy năng lượng tái tạo là cần thiết để bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất bổ sung quy định về tỷ lệ đóng góp tối thiểu của năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện quốc gia nhằm đảm bảo lộ trình chuyển dịch sang năng lượng sạch. Xây dựng cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các dự án năng lượng tái tạo như ưu đãi thuế, hỗ trợ giá và giảm thiểu thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Quy định rõ ràng và chi tiết về quy trình thẩm định và phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo, đảm bảo minh bạch và đồng bộ.
Phát triển điện khí và điện hydro xanh, nguồn năng lượng sạch và bền vững cần thiết để bổ sung vào hệ thống năng lượng quốc gia. Đại biểu đề xuất đưa vào các quy định khuyến khích đầu tư và sản xuất điện từ khí đốt và hydro xanh, ưu đãi thuế và vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia phát triển các dự án điện khí và hydro xanh. Cùng đó có quy định nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất điện từ hydro và khí đốt, hướng tới các giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Cùng quan tâm phát triển các nguồn năng lượng mới, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn Bình Dương, nhấn mạnh rằng hydro xanh và amoniac xanh là năng lượng của tương lai. Luật bước đầu đã đề cập đến các nguồn năng lượng mới này, đây là những nguồn năng lượng tiên tiến, có khả năng giảm thiểu mạnh lượng phát thải và hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa hơn nữa các chính sách ưu đãi đối với các dự án phát triển hydro xanh và amoniac xanh, chẳng hạn như ưu đãi về thuế, trợ cấp tài chính hoặc ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, khuyến khích hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư từ các nước phát triển năng lượng sạch như EU, Nhật Bản và Đức.
"Theo xu hướng chung và cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam, chúng ta phải phát triển mạnh năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong khi đó, năng lượng tái tạo chưa có quy định cụ thể trong luật hiện hành kể cả trong luật sửa đổi lần thứ 4.
Vấn đề năng lượng mới trong đó có hydrogen, amoniac xanh, chúng ta đã công bố Quy hoạch điện VIII, từ hơn 1 năm nay, đến giờ này không có nhà đầu tư mới nào đề xuất dự án, vì không có quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế chính sách trong khi chỉ còn 5,5 năm nữa chúng ta phải tăng gấp 2 lần tổng công suất các nguồn điện (hiện chỉ có khoảng 80.000 MW) lên tới 150.524 MW.
Nếu không kịp thời sửa đổi, bổ sung ban hành cơ chế chính sách phù hợp, khả thi thì chắc chắn không có nhà đầu tư vào, không thể nào đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho đất nước.
Tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn nhưng nếu không có cơ chế, chính sách thì không thể nào mở đến mức tối đa khả năng có thể cho các địa phương.
Về 6 nhóm chính sách cụ thể trong dự thảo luật, đã quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định và những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, điện khí, điện hydro xanh".