Ngày 29/12, Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
TỔNG NGUỒN VỐN TĂNG GẤP GẦN 42 LẦN
Chia sẻ tại hội nghị, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách cho biết, thời gian qua, thể hiện rõ phương châm "Trung ương và địa phương cùng làm", 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách để bổ sung nguồn vốn cho vay. Theo đó, nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 30 nghìn tỷ đồng.
Nhờ vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Đến 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 298 nghìn tỷ đồng, tăng gần 291 nghìn tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%.
Cũng tính đến ngày 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, còn có các chính sách cho vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo.
Ngoài ra, tín dụng chính sách còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với doanh số cho vay gần 18 nghìn tỷ đồng cho gần 280 nghìn lượt khách hàng.
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ (khi nhận bàn giao) xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ.
Cũng theo ông Thắng, suốt hành trình 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động. Hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên. Xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội, gần 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động...
"Thời gian qua, vốn chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước. Theo chuẩn từng giai đoạn cụ thể: Giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%", ông Thắng nói.
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN MỤC TIÊU QUỐC GIA
Đánh giá hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Sơn La, khẳng định rằng chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là đúng đắn, hợp lòng dân. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
Đối với tỉnh Sơn La, thông qua mạng lưới điểm giao dịch xã rộng khắp đặt tại 204/204 xã, phường, thị trấn, Ngân hàng Chính sách đã tập trung được nguồn lực và chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách một cách an toàn và tiết kiệm.
"Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có tác động lớn đến thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của người dân, giúp cho hộ vay vốn vươn lên thoát nghèo bền vững, tiến tới có tích lũy, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình", ông Đông nói.
Chung quan điểm, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, cho biết thêm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có nguồn lực tài chính để tạo việc làm, sinh kế mới, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, nông nghiệp phát triển, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên.
Cũng theo bà Vân, minh chứng rõ nét cho hiệu quả của vốn chính sách là tỉnh Quảng Ngãi có hơn 185 nghìn hộ gia đình thoát nghèo. Đồng thời, sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đáng kể vào hạn chế tình trạng tín dụng đen, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
GIẢI BÀI TOÁN ỔN ĐỊNH NGUỒN VỐN
Mặc dù đạt được những thành công đáng ghi nhận như đã nêu, tuy nhiên lãnh đạo Ngân hàng Chính sách cho biết nguồn vốn huy động của ngân hàng vẫn thiếu tính ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng Nhà nước và nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trong khi lãi suất huy động tiền gửi 2% thường cao hơn các nguồn huy động khác...
Nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu sử dụng cho vay trung dài hạn (dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 99,%) với một số chương trình có thời hạn cho vay dài, tối đa đến 25 năm. Trong khi đó, mặc dù cơ cấu nguồn vốn đã có sự chuyển biến theo hướng tăng dần các nguồn vốn trung dài hạn và giảm dần các nguồn vốn ngắn hạn nhưng đến nay nguồn vốn có thời hạn dài trên 5 năm vẫn chỉ chiếm 41,8%.
Ngoài ra, một trong những khó khăn khác đó là chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ và nguyên tắc xác định nguồn vốn chủ đạo, phù hợp với đặc thù tín dụng chính sách xã hội. Hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh khống chế tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ trái phiếu đến hạn hàng năm theo quy định. Mặt khác do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể nên Ngân hàng Chính sách xã hội khó tiếp cận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ...
Trước thực tế trên, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách mong muốn các cấp có thẩm quyền cho phép nâng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản...
Về phía ngân hàng, Ngân hàng Chính sách xã hội đặt mục tiêu phát triển thành tổ chức có khả năng tự chủ, phát triển ổn định lâu dài, bền vững, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ, tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần. Tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả hơn chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.