Nam giới từ trước tới nay vẫn được coi là người mua sắm chính các mặt hàng điện tử, điện máy, nhưng quan điểm và xu hướng hành vi tiêu dùng này đã phần nào thay đổi ở Việt Nam theo phân tích so sánh hơn 1 triệu lượt xem trong 3 tháng đầu năm 2020 và 2021 các mặt hàng điện tử, điện máy theo công cụ tìm kiếm sản phẩm và so sánh giá iPrice.
TỶ LỆ PHỤ NỮ MUA SẮM SẢN PHẨM ĐIỆN TỬ, ĐIỆN MÁY TĂNG
Theo khảo sát của iPrice, tỷ lệ nữ giới mua sắm các sản phẩm điện tử, điện máy trực tuyến đã ngang ngửa nam giới. Nếu như trong quý 1/2020, tỷ lệ phụ nữ mua sắm các mặt hàng này là 38% thì trong quý 1/2021, tỷ lệ nữ giới mua sắm trên các trang thương mại điện tử trong ngành hàng là 43%, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù nam giới vẫn là đối tượng mua sắm chính trong danh mục khi chiếm tỷ lệ là 57%, tuy nhiên con số này đã có sự suy giảm so với cùng kỳ năm trước (62%).
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, có sự thay đổi về nhóm tuổi mua sắm của phụ nữ. Mặc dù không có sự tăng trưởng đột biến, tuy nhiên phụ nữ nói chung và phụ nữ trong độ tuổi từ 35 đến 64 nói riêng dành sự quan tâm nhất định đến các mặt hàng điện tử, điện máy khi làn sóng đại dịch Covid-19 dường như đang hạ nhiệt.
Họ cũng đã bắt đầu tiếp cận nhiều hơn với việc mua sắm thiết bị điện tử, điện máy trên các sàn thương mại điện tử. Cụ thể trong 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ mua sắm các mặt hàng trong danh mục này của nhóm phụ nữ từ độ tuổi 35-44 và 45-54 tăng 4% so với quý 1/2020. Thêm vào đó, nhóm tuổi lớn hơn từ 55 – 64 cũng có sự tăng nhẹ là 2%.
Trong khi đó, nhóm người tiêu dùng nữ trẻ hơn từ 25-34 lại giảm mạnh 10% so với ba tháng đầu năm 2020. Các chuyên gia nghiên cứu phân tích cho rằng, sự thay đổi này có thể do tác động của đại dịch Covid-19 hồi đầu năm 2020, khi hầu hết mọi người đều ưu tiên thực hiện giãn cách xã hội và làm việc tại nhà. Vì thế, tỷ lệ người tiêu dùng nói chung và phụ nữ văn phòng ở nhóm độ tuổi này nói riêng có xu hướng mua sắm các sản phẩm điện tử, điện máy để phục vụ cho nhu cầu làm việc và sinh hoạt hàng ngày tại nhà.
Xu hướng thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam cũng đã được thể hiện phần nào trong báo cáo Thương mại điện tử vừa công bố khi có đến hai cái tên chuyên kinh doanh sản phẩm điện tử, điện máy là Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh lọt vào top 10 website có lượng truy cập cao khu vực Đông Nam Á. Qua đó cho thấy thị trường điện tử, điện máy tại Việt Nam đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng trên các website thương mại điện tử.
MUA SẮM VÀ THANH TOÁN TRÊN DI ĐỘNG NHIỀU HƠN
Khảo sát cũng cho thấy, mua sắm trên thiết bị di động tăng trưởng 4%. Người tiêu dùng có xu hướng mua sắm các sản phẩm điện tử, điện máy trên thiết bị di động nhiều hơn so với máy tính và máy tính bảng. Có đến 80% người tiêu dùng quyết định mua sắm trên thiết bị di động trong Quý I/2021, trong khi đó con số này ở máy tính và máy tính bảng lần lượt là 18% và 2%. Tỷ lệ này trong quý 1/2020 lần lượt là 76% trên di động, 22% trên máy tính và 2% trên máy tính bảng.
Theo số liệu từ báo cáo Digital 2021 của We Are Social, có đến 61,4% người dùng quyết định thanh toán online thông qua thiết bị di động. Như vậy, “mobile first” (ưu tiên di động) vẫn sẽ là một trong những xu hướng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời kỳ “bình thường mới” đối với doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện máy.
Xu hướng người dùng đang ngày càng thực hiện nhiều tác vụ hơn như tìm hiểu, mua sắm, thanh toán trên chiếc điện thoại di động của mình. Cụ thể có hơn 154 triệu thuê bao di động, trong đó 64% tài khoản có kết nối mạng 3G, 4G và 5G. Lưu lượng truy cập Internet từ các thiết bị Android vẫn tiếp tục dẫn đầu với 64,6%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 2020 (61%), iOS giảm từ 37% xuống còn 34,5%.
Theo báo cáo Digital Việt Nam 2021 của We Are Social, các nhóm ứng dụng di động được người dùng Việt sử dụng nhiều trong năm 2020 bao gồm: nhắn tin, trò chuyện (94,7%), giải trí và xem video (83,4%), nghe nhạc (58%), chơi game (57,2%), mua sắm (68,5%), tài chính và ngân hàng (40,1%)...
Nhìn chung, các con số này không quá chênh lệch so với số liệu cùng kỳ của năm 2020. Duy chỉ có ứng dụng mua sắm ghi nhận tỷ lệ sử dụng cao hơn, tăng từ 55% (2020) lên đến 68,5% (2021). Báo cáo nhấn mạnh người dùng Việt ngày càng ưu tiên mua hàng trên các ứng dụng trên di động.
Về ngành hàng mua sắm, trừ dịch vụ du lịch, lữ hành và lưu trú giảm 40,5%, các nhóm ngành hàng thời trang, thiết bị kỹ thuật số, thực phẩm, chăm sóc cá nhân, game, nhạc trực tuyến đều có dấu hiệu tăng mạnh về chi tiêu. Trung bình, chi tiêu của người dùng cho các ngành này đều tăng trên 30%.