Cử tri TP. HCM đề nghị có biện pháp cụ thể để nâng tỷ lệ sinh ở các vùng đô thị, không để tình trạng già hóa dân số, từ đó dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động trong thời gian sắp tới.
MỨC SINH THẤP KÉO DÀI ĐỂ LẠI NHIỀU HỆ LỤY
Phản hồi cử tri, Bộ Y tế cho biết Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 (TFR = 2,09 con/phụ nữ), tuy nhiên mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh thấp.
Tổng tỷ suất sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế (TFR=2,1) giảm từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), và năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ năm 2006 trở lại đây, và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Xu hướng mức sinh thấp, và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đô thị hóa cao.
Cụ thể, mức sinh ở thành thị đã xuống thấp hơn mức sinh thay thế trong 20 năm qua, và luôn thấp hơn mức sinh ở nông thôn. 2/6 vùng kinh tế - xã hội (Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long) có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.
Trong đó, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân/người cao nhất cả nước, nhưng lại có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,47 con/phụ nữ.
Có 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước. Hầu hết là những địa phương nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
Bộ Y tế nhận định mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy, như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Xu hướng mức sinh giảm, ngoài tác động về quy mô dân số, còn dẫn đến tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm, tỷ trọng người già tăng lên.
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang ở trong quá trình già hóa dân số, và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo đó, khi mức sinh giảm càng làm thúc đẩy nhanh chóng quá trình già hóa dân số ở nước ta.
THÍ ĐIỂM BIỆN PHÁP TĂNG TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI VỚI NGƯỜI KHÔNG MUỐN KẾT HÔN
Bộ Y tế cho biết nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đảm bảo tốc độ gia tăng dân số và duy trì cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động hợp lý, góp phần vào sự phát triển dân số bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg năm 2020, phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Trong đó, tại những địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, cần tập trung ưu tiên thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp, nhằm vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 2 con, như điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con.
Đơn cử: Bãi bỏ các quy định liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên. Chính quyền địa phương nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.
Hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình; phát triển câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi.
Chú trọng quy hoạch, xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điều kiện của bà mẹ, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị.
Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con như: Mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; xây đựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình. Từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn, hoặc kết hôn quá muộn…
Về phía Bộ Y tế, Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 01/2021 hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.
Bộ đã nghiên cứu đưa một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích nêu trên vào dự Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2025.
Tại một số tỉnh, thành phố, vùng mức sinh thấp, và mức sinh thay thế, đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối tập thể, cá nhân như: Khen, thưởng tiền cho các tập thể là xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố đạt, và vượt tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con; hỗ trợ tiền hoặc hiện vật; hỗ trợ các chi phí y tế 1 lần (sinh con) đối với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; hỗ trợ giảm học phí từ bậc học mầm non đến bậc trung học phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Một số địa phương đã triển khai, mở rộng các mô hình "Nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 2 con trước 35 tuổi”, “xã, phường, thị trấn đạt chuẩn sinh đủ 2 con”..., điển hình như tỉnh Hậu Giang, TP. Cần Thơ.