Cụ thể, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) kiến nghị sớm tiêm mũi 2 cho khoảng 60.000 công nhân đang thực hiện "3 tại chỗ" đã tiêm mũi 1 cách nay hơn 8 tuần, chủ yếu là vaccine AstraZeneca. Ngoài ra, kiến nghị tiêm vét mũi 1 cho khoảng 20% trong tổng số công nhân chưa tiêm mũi 1 vì nhiều lý do.
Đối với số công nhân trước đây đã tiêm mũi 1 nhưng đang ở nhà hoặc nhà trọ (chưa đi làm lại), HBA kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch sắp xếp cho tiêm mũi 2. Riêng các công nhân đã tiêm mũi 1 nhưng đã về quê, HBA sẽ trình danh sách họ tên số công nhân này (theo danh sách do doanh nghiệp cung cấp) để Ban quản lý các KCX - KCN TP.HCM (HEPZA), Ban Quản lý Khu công nghệ Cao TP.HCM (SHTP) đề xuất Ban Chỉ đạo của TP thông báo đến UBND các tỉnh/thành đề cơ quan y tế tại địa phương tiếp tục tiêm mũi 2 kịp thời hạn.
"Việc này nhằm giúp công nhân trở lại làm việc được thuận lợi, an toàn. Thực trạng hiện nay, công nhân các KCX - KCN và Khu công nghệ cao – nhất là công nhân "3 tại chỗ" - không có tên trong danh sách tiêm chủng ngừa dịch Covid-19 tại phường/xã, địa phương. Do vậy, kiến nghị Ban Chỉ đạo giao cho HEPZA, SHTP được lập danh sách cho 18 KCX - KCN, và kết hợp với Sở Y tế thực hiện tiêm ngừa," ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA, trình bày tại văn bản.
Ngày 26/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn công tác cũng đã đến kiểm tra các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM về tình hình sản xuất, lưu thông hàng hóa. Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục.
Phó Thủ tướng và đoàn đã đến kiểm tra hoạt động của Công ty Pepperl+Fuchs, doanh nghiệp của Đức chuyên sản xuất sản phẩm về công nghệ như cảm biến, thiết bị truyền tín hiệu tại Khu chế xuất Tân Thuận; Công ty Dược phẩm An Thiên tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, kiểm tra tình hình hoạt động của Cảng Hiệp Phước; Công ty Chế biến lương thực thực phẩm Cholimex Food tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc… và làm việc với Sở Công Thương, Ban Quản lý các KCX - KCN TP.HCM (Hepza) về tình hình sản xuất trên địa bàn thành phố hiện nay.
Các doanh nghiệp mà Phó Thủ tướng đến kiểm tra đều sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, với số lượng công nhân làm việc chỉ còn 30 - 50% so với bình thường. Đại diện Công ty Pepperl+Fuchs cho biết, doanh nghiệp đã thực hiện sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” từ ngày 12/7 với 206 công nhân trong số 879 lao động của công ty. Mỗi ngày công ty lo 3 bữa ăn cho người lao động, trong đó bữa trưa, chiều trị giá 30.000 đồng/suất/người. Một tuần công ty xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho người lao động 2 lần. Công ty trả lương 175% cho những công nhân thực hiện "3 tại chỗ".
Còn theo đại diện Cholimex, công ty có hơn 1.800 lao động, giờ giảm 50%, chỉ còn hơn 900 lao động làm việc tại chỗ. Sản lượng hiện chỉ bằng 70% so với bình thường. Tuy nhiên, công ty đã duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hơn 40 ngày qua. Mặc dù chi phí tăng cao do phải lo ăn ở tại chỗ, tiền phụ cấp cho công nhân, tiền xét nghiệm, công ty vẫn phải tiếp tục hoạt động để giữ bạn hàng, giữ thị trường, giữ chân người lao động.
Các công ty như Pepperl+Fuchs, Cholimex cho biết, hiện các công nhân “3 tại chỗ” đã được tiêm phòng Covid-19 mũi 1 và nguyện vọng của công ty và người lao động là mong muốn được lực lượng y tế đến tận công ty để tiêm phòng mũi thứ 2.
Cùng đi với đoàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong hướng dẫn của Bộ Công Thương thì điều kiện để doanh nghiệp có thể tái sản xuất cần phải tiêm cho người lao động 1 mũi vaccine trở lên. Điều kiện thứ hai là người lao động phải được hỗ trợ xét nghiệm nhanh (2 ngày/lần), xét nghiệm PCR (1 tuần/lần) và phải tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.