Diễn đàn Đối thoại chính sách với chủ đề “Khuyến khích đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh” diễn ra vào sáng ngày 16/4 đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu trong và ngoài nước. Diễn đàn diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G 2025).
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh Thế giới đang đối mặt với những thách thức toàn cầu chưa từng có về biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy mô hình kinh doanh bền vững, đổi mới sáng tạo xanh và đổi mới hệ thống kinh tế theo hướng phát triển ít phát thải, tuần hoàn đã trở thành những yêu cầu rất cấp bách.
Tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã sớm xác định tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển cốt lõi, được cụ thể hóa bằng nhiều văn bản quan trọng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 vào năm 2012. Thủ tướng cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào năm 2021, phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 -2025, cung cấp các cơ chế tài chính và chính sách ưu đãi để khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này.
Trong làn sóng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững toàn cầu, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam, tầng lớp được đào tạo bài bản, có năng lực để thích ứng và đón đầu những xu thế mới.
ĐÃ HÌNH THÀNH HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP ĐỦ THÀNH TỐ
Dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trong những năm qua, mặc dù có chững lại do một số biến động về kinh tế nhưng dự báo vào năm 2024 và 2025 sẽ tăng trưởng lại, tập trung vào thu hút nguồn vốn cho khởi nghiệp trong đó có khởi nghiệp tăng trưởng xanh, bền vững.
Bức tranh hệ sinh thái sáng tạo của Việt Nam hiện nay có hơn 4,000 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, trong đó có 2 “kỳ lân” đã gọi vốn trên 1 tỷ USD. Có 11 doanh nghiệp gọi vốn trên 100 triệu USD, có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm, hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ và hơn 200 khu vực ươm tạo, cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp.
Trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp ước tính có khoảng 200 - 300 doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi xanh, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn, tương đương với khoảng 5 - 7% tổng số startup hiện nay. Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cũng sẽ tiếp tục ban hành những chương trình hỗ trợ để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.
Thứ trưởng Hoàng Minh kêu gọi sự tham gia chủ động và hợp tác chặt chẽ từ các bên liên quan - từ khu vực công, tư nhân đến các tổ chức quốc tế - cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng về một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam xanh, hiệu quả và bền vững.
Bổ sung thêm về bức tranh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đánh giá sau nhiều năm tập trung phát triển, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam đã có nhiều kết quả ấn tượng, xây dựng được một hệ thống với đầy đủ các thành tố.

Những thành quả trên thể hiện cho nỗ lực của tất cả các chủ thể từ Chính phủ đến các viện trường, các cơ sở ươm tạo và các chuyên gia quốc tế.
“Các bạn trẻ Việt Nam đã hết sức nỗ lực, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã có nhiều gương mặt điển hình, gọi vốn được từ 1 triệu USD - 5 triệu USD cho các dự án năng lượng xanh, giao thông xanh, xử lý rác thải, nhiên liệu sinh học, nông nghiệp xanh, xử lý vấn đề về môi trường”, TS. Phạm Hồng Quất phát biểu tại sự kiện.
GIẢI QUYẾT THÁCH THỨC CHO KHỞI NGHIỆP XANH
Trong thời gian tới, ông Quất kêu gọi Việt Nam tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tăng trưởng theo chiều sâu, tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội, phát triển bền vững, đóng góp vào GDP của đất nước. Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ cũng nhấn mạnh đội ngũ cố vấn, giáo sư, chuyên gia tại các trường đại học, viện nghiên cứu có vai trò định hướng, dìu dắt giới trẻ tập trung vào các lĩnh vực của tăng trưởng xanh mà Việt Nam cần phát triển nhất.
Bên cạnh những thành quả đạt được, TS. Phạm Hồng Quất cũng đề cập đến những thách thức lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh của Việt Nam. Trong đó thách thức lớn nhất là nguồn vốn. Theo đó, nguồn vốn xanh thường nhắm đến sự phát triển dài hạn. Nếu chỉ nhìn về lợi nhuận trước mắt thì các dự án xanh sẽ rất khó thành công.
Chính vì vậy, rất cần sự hợp tác của những quỹ đầu tư xanh trong và ngoài nước đưa ra cam kết hỗ trợ tài chính cùng với Chính phủ Việt Nam để đưa những ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển bền vững, tăng trưởng xanh thành những sản phẩm, có được thị trường ban đầu.
Ngoài ra, cần có thêm những chính sách hỗ trợ, quy định cụ thể cho startup. Việt Nam cũng cần bổ sung thêm đội ngũ nhân lực có kiến thức sâu về kinh tế tuần hoàn, quản lý carbon hoặc công nghệ sản xuất vật liệu sinh học.
Mặc dù xu thế sản xuất hàng hóa bền vững, thân thiện với môi trường đã dần xuất hiện tại Việt Nam nhưng vẫn chưa có mức giá phù hợp và người tiêu dùng chưa hình thành thói quan sử dụng các sản phẩm này. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông về tiêu dùng xanh để thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.