Thống kê của VnEconomy trên 70 công ty chứng khoán theo dõi cho thấy, tổng danh mục tự doanh ở thời điểm cuối quý 2/2024 ghi nhận hơn 230 nghìn tỷ đồng tương đương hơn 9 tỷ USD, tăng 12,2% so với con số đầu năm 2024. Trong đó, FVTPL chiếm 62%; HTM chiếm 22% còn lại là AFS.
SSI là công ty chứng khoán sở hữu danh mục tự doanh lớn nhất chủ yếu FVTPL, cho thấy doanh nghiệp ưa đầu tư lướt sóng cổ phiếu với giá trị cổ phiếu niêm yết 1.092 tỷ đồng. Các cổ phiếu niêm yết SSI đang nắm giữ gồm VPB, STB, CTB, HPG với giá trị gốc đầu tư 1.130 tỷ đồng. Trái phiếu 14.469 tỷ đồng, chứng chỉ tiền gửi 23.282 tỷ đồng. Trong kỳ, SSI ghi nhận khoản lãi từ danh mục này 1.034 tỷ đồng tăng mạnh so với con số cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với tăng doanh thu từ cho vay margin và môi giới, SSI báo lãi trước thuế quý 2 đạt 1.041 tỷ đồng, lần lượt tăng 44,5% và 59% so với cùng kỳ 2023.
VnDirect đứng thứ hai với danh mục tự doanh 26.575 tỷ đồng tăng 2.500 tỷ đồng so với con số đầu năm. Danh mục FVTPL của VnDirect chủ yếu là trái phiếu niêm yết gần 8.600 tỷ đồng, chứng chỉ tiền gửi 7.390 tỷ đồng và cổ phiếu niêm yết 1.283 tỷ đồng với 3 cổ phiếu VPB, HSG, ACB.
TCBS và VCI có chiến lược đầu tư dài hạn rõ rệt hơn. Tại TCBS danh mục tự doanh chủ yếu là Tài sản tài chính sẵn sàng để bán AFS 18.783 tỷ đồng, chiếm 91% tổng giá trị danh mục tự doanh. Tương tự, tại VCI, danh mục tự doanh tăng gần 3.000 tỷ so với đầu năm đạt 9.830 tỷ, trong đó tài sản AFS 8.513 tỷ đồng chiếm 86%. Về kết quả kinh doanh, VCI báo lãi trước thuế 343 tỷ đồng tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dự báo của Chứng khoán VnDirect, giá trị danh mục đầu tư sẽ tăng lên 265.000 tỷ đồng tăng 33% và lợi suất đầu tư sẽ đạt khoảng 12% vào cuối năm 2024.
Cùng với đó, VnDirect dự báo khối lượng giao dịch bình quân một phiên của năm 2024 sẽ vào khoảng 25.000 tỷ đồng tăng 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch một phiên trong nửa cuối năm 2024 sẽ gần như đi ngang so với nửa đầu năm.
Dư nợ cho vay ký quỹ của ngành sẽ khó đạt được mức tăng trưởng đáng kể so với 6 tháng đầu năm trong bối cảnh thanh khoản thị trường dự khiến đi ngang. Bên cạnh đó, lợi suất cho vay ký quỹ sẽ giảm khi các công ty môi giới lớn (SSI, HCM, MAS, HSC) giảm lãi suất cho vay ký quỹ để mở rộng thị phần.
Đối với hệ thống KRX, dù dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 5/2024 nhưng đã bị hoãn lại do một số nguyên nhân pháp lý. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý đang nỗ lực đẩy nhanh việc ra mắt hệ thống KRX. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đang khẩn trương hoàn thiện các quy định loại bỏ yêu cầu phải có 100% số tiền trong tài khoản trước khi thực hiện giao dịch.
Hệ thống KRX vận hành không chỉ hỗ trợ triển khai các sản phẩm mới, cải thiện thanh khoản mà còn giúp thay thế toàn bộ hệ thống giao dịch và hệ thống thanh toán bù trừ hiện nay. VnDirect kỳ vọng KRX sẽ đi vào vận hành trong năm 2024.
"Hiện tại, hệ thống KRX dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nửa cuối năm 2024. Nếu điều này diễn ra đúng hoặc trước kế hoạch, đây sẽ là một động lực thúc đẩy các cổ phiếu ngành chứng khoán tăng giá nhiều hơn so với thị trường chung", VnDirect nhấn mạnh.
Trên thị trường, có sự phân hóa đáng kể giữa các cổ phiếu ngành chứng khoán, khi chỉ có khoảng một nửa số cổ phiếu ngành có diễn biến vượt trội hơn VN-Index từ đầu năm đến nay gồm: HCM, VCI, MBS, CTS, TVS, VDS, BVS và FTS.
Các cổ phiếu có diễn biến vượt trội hơn VN-Index trong 7 tháng liên tiếp vừa qua là BVS, VDS, MBS và CTS. Hầu hết các doanh nghiệp này đều có ROE cao nhất trong ngành, vì vậy giá trị của các doanh nghiêp này phần lớn được phản ánh qua việc tăng giá cổ phiếu.
"Tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngành chứng khoán đã được phản ánh trong định giá. Do đó, định giá của ngành này không còn hấp dẫn nhiều so với các ngành khác trong bối cảnh các triển vọng dài hạn liên quan đến việc triển khai hệ thống KRX, nâng hạng lên thị trường mới nổi và việc cắt giảm lãi suất lần đầu của Fed dự kiến vào T3/24 đều đã bị trì hoãn", theo nhận định của VnDirect.