Những chiếc túi xách này có kiểu dáng không khác gì các thiết kế hiện được bán với giá lên tới 8.000 USD (khoảng 182 triệu đồng) mà hãng đang trưng bày tại cửa hàng và trên web. Tuy nhiên, khi được gắn thêm cụm từ "VIP Gift", chúng có giá chỉ từ 3 - 4 triệu đồng. Với nhiều người mê hàng hiệu nhưng chưa có đủ điều kiện kinh tế, những chiếc túi "VIP Gift" thế này rất được quan tâm. Chúng đáp ứng đủ nhu cầu "vẫn là hàng hiệu" nhưng có giá rẻ hơn rất nhiều so với giá hãng.
Trên thực tế, khái niệm hàng "VIP Gift" có thật, nhưng không bao giờ có thể là những chiếc túi cỡ lớn, thiết kế giống y chang các mẫu đang được hãng bán ra. Với nhiều thương hiệu xa xỉ, để trở thành khách VIP, bạn phải bỏ ra ít nhất 10.000 USD trong khoảng thời gian tương ứng mà mỗi hãng đề ra (3 tháng, 6 tháng…). Khách hàng VIP không chỉ được tham gia các buổi ra mắt hay private sale, mà còn được tham dự những show diễn hay event lớn nhỏ khác nhau.
Mỗi năm, các thương hiệu như Chanel, Dior, LV… cũng thường tặng túi cho các khách hàng đặc biệt của mình nhằm thể hiện sự quan tâm, chăm sóc khách hàch. Đồng thời, đó cũng là cách họ tạo ấn tượng tốt về thương hiệu trong mắt các khách VIP lẫn khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, đó thường chỉ là những mẫu túi/ví kích thước nhỏ và không bao giờ có mẫu giống với những mẫu trong BST hãng đã ra mắt, nhất là những mẫu thuộc dạng "kinh điển".
Ngoài ra, túi “VIP gift" hay "authentic gift" cũng có thể là quà tặng đến từ nhãn hàng khi mua 1 đơn hàng có giá trị lớn tại ngành hàng mỹ phẩm của các thương hiệu xa xỉ. Món quà đó như lời tri ân dành cho khách hàng và chỉ được sản xuất với số lượng rất ít. Dù vậy, chúng cũng không được sản xuất theo tiêu chuẩn hàng hiệu như những chiếc túi trăm triệu và không làm bằng chất liệu cao cấp.
Vì vậy, số lượng túi “VIP Gift” từ các thương hiệu này không thể đại trà đến mức các shop có thể thường xuyên có hàng để bán với số lượng lớn. Điều đó cũng chứng minh rằng, nếu thật sự túi “VIP Gift” được bán ra, giá tiền của chúng không thể dao động trong vài trăm USD được. Cách đây không lâu, Grailed – hệ thống bán các sản phẩm Authentic Aecondhand với rất nhiều người bán khác nhau trên khắp nơi đã từng mạnh tay “thanh trừng” những tài khoản bán các mẫu túi “VIP Gift” trên hệ thống của họ. Chính động thái này đã vô tình tiết lộ hầu hết các mẫu túi là “VIP Gift” là hàng nhái, có những mẫu mà ngay cả thương hiệu cũng không biết đến sự tồn tại của nó.
Theo Tatler, những vị khách VIP của các thương hiệu xa xỉ thường được hưởng nhiều đặc quyền, trong đó bao gồm việc mua hàng hiếm trước hay được đưa đón bằng máy bay riêng mỗi khi đi mua sắm. Mỗi thương hiệu sẽ có cách chăm sóc khách hàng đặc biệt khác nhau. Nhưng có một điều chắc chắn rằng họ sẽ đảm bảo khiến những vị khách này cảm thấy mình được đặc cách, ở vị trí cao hơn.
Lianne Lam, một trong những vị khách hàng đầu VIP của Chanel ở Hong Kong cho biết: “Chanel chiều chuộng tôi bằng những món quà bất ngờ vào ngày sinh nhật. Nếu tôi ghé thăm cửa hàng tại khách sạn Peninsula trong tháng sinh nhật của mình, các nhân viên sẽ mang bánh ra, hát và phục vụ trà”. Những vị khách VIP như bà Lianne được các thương hiệu xa xỉ dành cho sự đối xử đặc biệt không chỉ vì họ tiêu nhiều tiền, mà họ cũng được coi là những người quảng bá tốt nhất cho thương hiệu. Trong một số trường hợp, họ còn trở thành bạn của nhân viên kinh doanh, giám đốc điều hành và thậm chí cả đội ngũ thiết kế thương hiệu.
“Các thương hiệu luôn tìm cách nâng cao một cách kín đáo trải nghiệm dịch vụ dành cho những khách hàng siêu VIP của họ. VIP có thể nhận được dịch vụ đặc biệt ở nhiều cấp độ. Điều đó giúp thương hiệu củng cố cảm giác độc quyền,” Kim Min-kyung, 36 tuổi, khách hàng VIP của Louis Vuiton tại Seoul (Hàn Quốc) chia sẻ. Cô cho rằng các thương hiệu xa xỉ sẽ chọn cách bán trước số lượng ít dòng sản phẩm cao cấp hoặc tùy chỉnh có giới hạn để thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến khách hàng VIP. Còn nếu ai đó được tặng "VIP Gift" là những chiếc túi nhỏ không đủ cao cấp và độc bản, thì đó cũng chưa hẳn là VIP.