Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các Sở Giao thông vận tải: Cà Mau; Kiên Giang; Đăk Nông; Hưng Yên; Ninh Thuận; Quảng Trị; An Giang; Cao Bằng; Cần Thơ; Trà Vinh; Hòa Bình, Vĩnh Long, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sóc Trăng, Phú Thọ, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai các giải pháp tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
CẢ NƯỚC TIẾP NHẬN GẦN 40.000 HỒ SƠ
Dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cung cấp là một trong 25 dịch vụ công thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Văn bản này nhằm thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; văn bản số 5562/BGTVT-TTCNTT ngày 30/5/2023 của Bộ Giao thông vận tải về việc tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã tập huấn, hướng dẫn cho các sở giao thông vận tải để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4) từ ngày 14/11/2022 trên phạm vi toàn quốc.
Tính đến ngày 18/9/2023, hệ thống đã tiếp nhận khoảng 38.942 hồ sơ toàn trình đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; đã hoàn thành xử lý, trả kết quả khoảng 31.377 giấy phép lái xe cho người dân.
Nhờ đó, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc giải quyết thủ tục hành chính đổi giấy phép lái xe.
Tính trung bình cho việc ăn nghỉ, đi lại của người dân ở các xã vùng xa có khảng cách đến trung tâm thành phố khoảng 300 km, mỗi hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe thực hiện theo hình thức trực tuyến tiết kiệm được khoảng 700 nghìn đồng.
Năm 2022, Cục Đường bộ Việt Nam thí điểm cấp đổi giấy phép lái xe trên toàn quốc nhưng chỉ tiếp nhận được trên 20 hồ sơ. Nguyên nhân là các cơ sở y tế chưa kết nối dữ liệu giấy khám sức khỏe điện tử với hệ thống dịch vụ công.
Số lượng hồ sơ đăng ký trực tuyến tăng mạnh do từ tháng 3 khi Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an, Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông cung cấp dữ liệu vi phạm, dữ liệu sức khỏe điện tử, đơn vị chuyển phát hồ sơ của người lái xe đến người dân nên số lượng hồ sơ cấp đổi ngày một tăng.
Lượng hồ sơ tăng mạnh từng tháng, theo đó, tháng 1/2023 có 76 hồ sơ; tháng 2/2023 có 365 hồ sơ. Đáng chú ý, tháng 3/2023 có 966 hồ sơ; tháng 4 có 1.377 hồ sơ, tháng 5 có 2.323 hồ sơ, tháng 6/2023 có 4.637 hồ sơ, tháng 7/2023 có 7.543 hồ sơ, tháng 8/2023 có 11.970 hồ sơ; đến 20/9/2023 có 11.000 hồ sơ. Tính đến nay, mỗi ngày công dân tham gia đăng ký đổi khoảng từ 500 - 700 giấy phép lái xe/ngày.
PHẤN ĐẤU LƯỢNG GIẤY PHÉP LÁI XE CẤP TRỰC TUYẾN ĐẠT 10%
Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản số 6241/CĐBVN-QLVT,PT&NL ngày 18/9/2023 đôn đốc một số sở giao thông vận tải khắc phục các khó khăn, vướng mắc, triển khai các giải pháp tăng số lượng dịch vụ công toàn trình đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Tuy nhiên, theo Cục Đường bộ Việt Nam, vẫn còn nhiều sở giao thông vận tải chưa triển khai hiệu quả dẫn đến số lượng hồ sơ giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn rất ít.
Cụ thể, Cà Mau xử lý 19 hồ sơ; Kiên Giang chỉ 16 hồ sơ; bên cạnh đó là Đăk Nông (14); Hưng Yên (10); Ninh Thuận (10); Quảng Trị (9); An Giang (8); Cao Bằng (5); Cần Thơ (4); Trà Vinh (1).
Để tăng cường đẩy mạnh triển khai tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các sở giao thông vận tải tích cực triển khai các giải pháp nhằm tăng số lượng hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường bộ Việt Nam.
Phối hợp các đơn vị liên quan và bưu chính tại địa phương hướng dẫn, hỗ trợ công dân đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và trả kết quả qua dịch vụ công ích đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
Đồng thời, thành lập các tổ triển khai thực hiện dịch vụ công, cử thành viên thuộc các cơ quan, đoàn thể địa phương, để mở rộng phạm vi hướng dẫn và phương pháp hỗ trợ tới mọi đối tượng; thường xuyên thống kê số lượng hồ sơ đăng ký theo ngày, tuần, tháng và ý kiến của công dân về khó khăn, vướng mắc báo cáo lãnh đạo sở giao thông vận tải.
Các đơn vị gửi thông tin về Cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải và có kế hoạch điều chỉnh, tái cấu trúc phần mềm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện dịch vụ công.