Cục Đường bộ Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023.
GIẢI NGÂN KHẢ QUAN, ĐẠT 40%
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2023 tại hội nghị, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết về kế hoạch đầu tư công 2023, kết quả giải ngân đến hết tháng 6/2023 đạt 40%, các Ban quản lý dự án đạt được hơn 42% tiến độ giải ngân, dự kiến giải ngân đến hết tháng 7/2023 đạt 50%.
Bên cạnh đó, giá trị kế hoạch công tác bảo trì nghiệm thu hoàn thành đạt 29%, kinh phí đã giải ngân đạt 36%. Cục thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án BOT, thường xuyên theo dõi, rà soát, báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc điều chỉnh phụ lục hợp đồng; chuyển nhượng quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng dự án và các vấn đề có liên quan trong quá trình kai thác, vận hành dự án.
Về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị về công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên hệ thống quốc lộ; đôn đốc tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo vệ tài sản đường bộ theo quy định.
Đồng thời, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các công việc thường xuyên và đột xuất khác; xử lý các vấn đề điều chỉnh hợp đồng, điều chinh tiến độ công trình các dự án sửa chữa định kỳ, các nội dung liên quan đến công tác bảo dưỡng thường xuyên theo kế hoạch năm 2022-2023.
Từ đó, đảm bảo hiệu quả đầu tư, hiệu quả quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư của các dự án. Khối lượng thực hiện tính đến 31/5 đạt trên 40%.
ĐẨY NHANH CẤP ĐỔI GIẤY PHÉP LÁI XE TRỰC TUYẾN CẤP ĐỘ 4
Về công tác quản lý vận tải, phương tiện người lái, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, cho biết Cục thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải tăng cường khai thác, kiểm tra dữ liệu từ thiết bị giám sát hành.
Bên cạnh đó, Cục hoàn thành kiểm tra tại 31 sở giao thông vận tải trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải.
Cùng với đó, phối hợp với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) – Bộ Công an kết nối, tích hợp Cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo tiến độ yêu cầu theo đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Cục cũng triển khai nâng cấp hệ thống thông tin DAT (kiểm soát thời gian và quãng đường và ghi nhận, giám sát các thông tin bắt buộc trong quá trình dạy và học sát hạch lái xe); phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Cục Khám chữa bệnh, Bưu điện Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải triển khai dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia phạm vi toàn quốc. Theo ghi nhận của Cục Đường bộ Việt Nam, đến nay, đã có hơn 10.000 hồ sơ đăng ký.
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 7
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và ý kiến phát biểu của lãnh đạo Cục, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2023, các lĩnh vực của Cục hoàn thành tốt nhiệm vụ Bộ Giao thông vận tải giao, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng
Tại hội nghị, Cục trưởng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo hoàn thiện xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Luật Đường bộ, đề án chuyển đổi số, trong đó tăng cường chức năng các phần mềm, đồng thời đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường kết nối, sử dụng dữ liệu để phục vụ công tác quản lý.
"Tiếp tục hoàn thiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”; hoàn thiện Đề án phân cấp trong lĩnh vực đường bộ", Cục trưởng yêu cầu.
Cục trưởng yêu cầu cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, theo phân cấp quản lý để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo được kịp thời trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, có kế hoạch bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên, đột xuất; khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông…
Bên cạnh đó, Cục trưởng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra tải trọng xe, đưa vào sử dụng các bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động tại Quốc lộ 5 để phát hiện vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính để làm cơ sở triển khai mô hình cân kiểm tra tải trọng xe tự động trên toàn quốc, đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền.
Về hành lang an toàn giao thông, Cục trưởng chỉ đạo các tổ kiểm tra tổng kiểm tra các cầu, quản lý tài sản công.
Bên cạnh đó, tăng tường công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe; tăng cường triển khai cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe; tiếp tục phối hợp Bưu điện Việt Nam hướng dẫn, hỗ trợ công dân cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Đối với các dự án BOT, Cục trưởng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân, mỗi tháng tăng 10%, đảm bảo an toàn thi công, chất lượng tiến độ công trình, dự án; xác định điểm dừng phù hợp, đúng quy định…
Trong tháng 7, Cục Đường bộ Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm giữ vững tinh thần đảm bảo chất lượng và tiến độ của các dự án, đặt mục tiêu tiến độ giải ngân của các dự án đạt 52%.
Để đạt được tiến độ đã đề ra, các dự án cần bố trí thêm công nghệ và máy móc nếu cần. Các dự án gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cần được đưa vào diện theo dõi đặc biệt, cần những tham mưu sát sao của Chi cục quản lý đầu tư và xây dựng đường bộ và các Ban Quản lý dự án. Đối với những mặt bằng hiện có, Chi cục quản lý đầu tư và xây dựng đường bộ cần xây dựng các tiến độ phù hợp và giám sát sát sao các ban quản lý dự án.