December 30, 2024 | 21:39 GMT+7

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu

Vũ Khuê -

Bộ Ngoại giao và mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ làm hết sức và đồng hành cùng hiệp hội, doanh nghiệp trong chặng đường phát triển sắp tới. Đồng thời tạo ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, ở nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu...

Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: "Với sự lớn mạnh ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước". Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: "Với sự lớn mạnh ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước". Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Tại hội thảo “Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hội nhập kinh tế quốc tế” ngày 30/12 do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp tổ chức, bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng với sự lớn mạnh ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, 98% doanh nghiệp là nhỏ và vừa, đóng góp tổng GDP khoảng 50%, hơn 35% thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho 50% người lao động Việt Nam. “Những con số này thể hiện rất rõ vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đối với nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn chúng ta bước vào kỷ nguyên mới”, bà Hằng nhấn mạnh.

Điều này càng thấy trách nhiệm lớn hơn của ngành ngoại giao, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế, trực tiếp là đóng góp, hỗ trợ, đồng hành với sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Qua các ý kiến trao đổi tại hội thảo, bà Hằng đặt câu hỏi: Công tác ngoại giao nói chung, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thể hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới?.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ tại hội thảo.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ tại hội thảo.

Thế giới đang chuyển đổi một cách sâu sắc, Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mới, do đó cần có sự phối hợp giữa Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Bộ Ngoại giao và các cơ quan ở nhiều mặt.

Thứ nhất, thiết lập các khuôn khổ hợp tác, thúc đẩy hợp tác ở kênh Chính phủ cũng như kênh Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với các đối tác. Gần đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cùng Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp Hàn Quốc đã ký thoả thuận hợp tác thành lập Uỷ ban hợp tác về thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa hai bên.

Theo Thứ trưởng Hằng, đây là mô hình, cách làm từ góc độ Chính phủ có thể hỗ trợ, thúc đẩy, tăng cường hơn nữa việc thiết lập các khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các nước trên thế giới. Đồng thời, với khuôn khổ của Chính phủ với các bộ ngành, hợp tác giữa Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với các nước cũng là hướng đi chúng ta có thể thúc đẩy, trên cơ sở hợp tác đó chúng ta sẽ đi được vào những vấn đề hợp tác cụ thể.

“Đây là vấn đề Bộ Ngoại giao có thể tham mưu, tư vấn cùng với Hiệp hội, các bộ ngành liên quan thúc đẩy trong thời gian tới”, bà Hằng cho biết.

Thứ hai, hiện nay chúng ta chứng kiến rất rõ sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng. Điều này đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cuộc họp Chính phủ đã thảo luận rất nhiều hợp tác các dự án lớn. Trong dự án hợp tác với các doanh nghiệp lớn với các đối tác, Chính phủ hết sức quan tâm tới vấn đề chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.

Đây là hướng hợp tác trao đổi của Chính phủ, các bộ ngành Việt Nam cũng như với các đối tác, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh hơn nữa những lĩnh vực hợp tác này. Từ đó tạo ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, ở nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, triển khai và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo bà Hằng, đây không phải là vấn đề mới, tuy nhiên giai đoạn hiện nay chúng ta đã có 19 FTA với đa dạng các đối tác. Chúng ta đã trải qua một thời gian triển khai các FTA, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn là những doanh nghiệp đi đầu tận dụng cơ hội, thời cơ này.

Từ kinh nghiệm, thông tin của “người đi trước”, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có cơ hội tận dụng các FTA hiệu quả hơn nữa. Đây cũng chính là trách nhiệm của các bộ ngành, trong đó có Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp nhỏ, vừa của Việt Nam.

Thứ tư, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá đối tác là chủ trương lớn của Chính phủ, tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi đó chúng ta đi vào thị trường của những nước đang phát triển, thị trường còn nhiều tiềm năng, thì cơ hội với doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn hơn.

Chẳng hạn như với khu vực thị trường Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La tinh, Nam Á, hay lần đầu tiên chúng ta ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA) với Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE)... tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hoá thị trường, dù có những khó khăn như địa lý xa xôi, chi phí logistics cao, khác biệt văn hoá… Nhưng yêu cầu của thị trường lại rất phù hợp với tiềm năng hàng hoá của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Thứ năm, chủ trương chung của Chính phủ hiện nay và các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng để thúc đẩy cơ hội hợp tác, đó là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Đây là vấn đề lớn đặt ra hiện nay đối với các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ như hiện nay.

Thứ sáu, vấn đề cung cấp thông tin, kết nối, Bộ Ngoại giao sẵn sàng thúc đẩy. Từ Đại hội 13 đến nay, Bộ Ngoại giao đã đẩy rất mạnh, chuyển rất mạnh hướng triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ đất nước. Tinh thần ngoại giao kinh tế lấy địa phương, người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Theo bà Hằng, những việc có thể làm ngay lúc này là thiết lập bảng thông tin mà ở đó có tất cả các đầu mối, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổng lãnh sự, phụ trách kinh tế có đầy đủ điện thoại, email và các cơ quan đầu mối Bộ Ngoại giao như Vụ kinh tế đa phương, Vụ tổng hợp kinh tế. Có những đầu mối này, doanh nghiệp có thể trực tiếp liên hệ trực tiếp, trao đổi cụ thể trên tinh thần sẵn sàng sát cánh cùng doanh nghiệp.

Đồng thời, thiết lập cơ chế định kỳ trao đổi hàng tháng hoặc hàng quý giữa Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp với các cơ quan đầu mối đại diện Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng những chương trình hợp tác cụ thể, hoặc những vấn đề doanh nghiệp quan tâm, kiến nghị.

“Doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng lớn nên cần có đầu mối để Bộ Ngoại giao tổng hợp các nhu cầu, đề xuất của các doanh nghiệp. Chúng ta làm đúng những vấn đề là thế mạnh nhất của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ cho được doanh nghiệp, chứ không dàn trải mà hiệu quả không cao. Cần chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, đúng lĩnh vực Bộ Ngoại giao có thể phát huy và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thể làm được”, bà Hằng nói.

“Tôi thay mặt các đại sứ, tổng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài cũng như 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, sát cánh cùng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các doanh nghiệp để cùng thúc đẩy sự phát triển của từng doanh nghiệp, từ đó đóng góp cho sự phát triển của đất nước, thực hiện mục tiêu khát vọng phát triển đất nước”, bà Hằng khẳng định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate