Dạo một vòng trên các con phố ẩm thực Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy hỏi chủ một quán bán bún ngan nức tiếng ở Hàng Bồ: “Chị đã biết đến 30/5/2025 là hạn chót phải đăng ký sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền hay chưa?”, chị chủ quán thủng thẳng: “Chúng tôi có biết chính sách này nhưng cũng chưa làm gì cả, để khi nào bên thu thuế xuống thì tính sau”.
GẦN HẠN CHÓT NHƯNG VẪN THỜ Ơ
Hỏi thêm chủ một cơ sở bán rau quả ở chợ đầu mối Long Biên (Quận Ba Đình), ông nói rằng khi nào cán bộ thuế đến nhắc thì thực hiện. Ông giãi bày quanh năm mua bán ngoài chợ, đóng thuế khoán đã quen, giờ lại phải máy tính, hệ thống máy tính tiền chuyên dụng, chưa biết xoay xở như thế nào.
"Chúng tôi không biết còn chính sách nào nữa không, đang làm ăn bình thường nay lại phải thực hiện chính sách này thực sự rất tâm tư”.
(Chủ cơ sở bán rau quả chợ Long Biên, Hà Nội)
Trao đổi với đại diện một doanh nghiệp “cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định tại Khoản 1, Điều 10 Thông tư số 78/2021/TT-BTC” và “đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu hoá đơn điện tử với Tổng cục Thuế (nay là Cục Thuế)”, ông cho biết, các nhóm chủ thể trong diện thực hiện Nghị định số 70/2025/NĐ-CP tâm tư là điều dễ hiểu.
Theo ông, từ năm 2020, khi Chính phủ ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP về “hoá đơn, chứng từ”, đã có quy định về nhóm chủ thể “hộ, cá nhân” phải sử dụng hoá đơn (giấy hoặc điện tử) khi bán hàng. Dù vậy, phần lớn là dừng ở tự kê khai, tự xuất hoá đơn nếu bên mua có yêu cầu, mỗi lần bên bán cần hoá đơn thì lên ngành thuế đề nghị cấp và nếu không làm thế cũng chẳng ai hỏi.
Hơn nữa, trong Nghị định 123/2020/NĐ-CP nội hàm “hộ, cá nhân” kinh doanh cũng chưa được mô tả một cách kỹ lưỡng, chưa kể việc thực thi chế tài chưa đủ mạnh và triệt để.
Bởi vậy, ngày 20/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số nội dung Nghị định 123/2020/NĐ-CP; có hiệu lực 1/6/2025. Điểm nhấn thứ nhất trong phiên bản sửa đổi này là làm nổi bật nội hàm nhóm chủ thể “hộ và cá nhân kinh doanh”, bao gồm: Hộ khoán có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm; hộ kinh doanh có sử dụng máy tính tiền hoặc đóng thuế theo hình thức kê khai và được cấp mã hoá đơn điện tử từ cơ quan thuế; doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng như nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú, dịch vụ vận tải vui chơi, giải trí.

Thứ hai, Nghị định số 70/2025/NĐ-CP cũng hướng dẫn 4 việc cần làm của hộ và cá nhân kinh doanh khi thực hiện xuất hoá đơn điện tử, bao gồm: một là, chuẩn bị trang thiết bị kỹ thuật có kết nối internet, gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng, PC để bàn; máy POS; hệ thống máy tính tiền chuyên dụng. Trong nghị định cũng lưu ý: nếu hộ và cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện kỹ thuật, sẽ được ngành thuế hỗ trợ.
Hai là, đăng ký sử dụng hoá đơn khởi tạo từ máy tính từ tiền (chậm nhất 30/5/2025). Ba là, đăng ký thay đổi phương pháp tính thuế (chậm nhất 30/5/2025) và bốn là, kê khai thuế theo mẫu 01/CNKD của Thông tư 40/2021/TT-BTC.
E NGẠI TỐN KÉM VÀ MINH BẠCH
Vì sao đã sắp đến hạn chót (30/5) nhưng nhiều hộ và cá nhân kinh doanh vẫn lơ là triển khai hoá đơn điện tử? Theo tìm hiểu của phóng viên, có mấy lý do dẫn đến hiện tượng trên mà đầu tiên là tốn kém chi phí.
Thứ nhất, từ năm 2020, ngành thuế đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hoá đơn, chứng từ nhằm mục đích minh bạch hoá và mở rộng cơ sở thu thuế đối với hoạt động thương mại trong nền kinh tế ở nhiều nhóm chủ thể khác nhau, trong đó có nhóm hộ và cá nhân.
Song, trong nhóm này, tỷ lệ yếu thế khá lớn, để triển khai hoá đơn khi bán hàng thì mỗi hộ phải có một kế toán (thuê hoặc trả lương tháng). Thử hình dung, một cửa hàng bán tạp hoá tại nhà mà phải thuê một kế toán thì không thể chịu nổi chi phí này.
Bởi vậy, ngành thuế tính đến chuyện kết hợp với “lực lượng thị trường” là các fintech, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ liên quan đến hoá đơn điện tử, tạm chia làm 2 nhóm.
Nhóm thứ nhất là tổ chức cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định tại Khoản 1, Điều 10 Thông tư số 78/2021/TT-BTC, nhóm này cập nhật đến 29/4/2025 là 108 tổ chức.
Tiếp đó, nhóm thứ 2 bao gồm những tổ chức “đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu hoá đơn điện tử với Tổng cục Thuế (nay là Cục Thuế)”, nhóm này cập nhật đến 28/02/2025 là 27 tổ chức với những “ông lớn” trong lang công nghệ như VNPT, MobiFone, Viettel, VNPay và KiotViet…
Đây chính là "lực lượng thị trường" cùng tham gia với ngànhh thuế triển khai hoá đơn điện tử trên cả nước. Những đơn vị có thế mạnh về công nghệ, nhân lực, định hướng chiến lược phục vụ tệp khách hàng tiềm năng, ra đời sớm, luôn có lợi thế chiếm được thị phần. Vì thế, họ “rủng rỉnh” hơn khi ưu đãi dịch vụ cho tệp khách hàng của mình. Điển hình trong số này là Công ty Cổ phần Công nghệ KiotViet.
Thứ hai, thực tế cho thấy, khi triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, toàn bộ doanh thu bán hàng được ghi nhận một cách đầy đủ, ngành thuế sẽ nắm bắt để có cơ sở thu thuế; mặt khác, doanh nghiệp cũng được lợi khi cung cấp dịch vụ như phần mềm bán hàng, hoá đơn điện tử…; các hộ và cá nhân kinh doanh cũng thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ ngân sách thay vì chỉ “thuế khoán” dù không ít trường hợp doanh thu hàng tỷ mỗi tháng.
Tuy nhiên, việc áp dụng hoá đơn điện tử, các hộ và cá nhân kinh doanh phải đáp ứng “điều kiện kỹ thuật” gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng, PC để bàn; máy POS; hệ thống máy tính tiền chuyên dụng… nên phát sinh chi phí. Chưa kể, những hộ hoặc cá nhân hoạt động di động ở các chợ đầu mối thì không có nơi đặt để các loại thiết bị nói trên, vì vậy họ cho là “bất tiện và thêm việc”.

Thứ ba, một nỗi lo khác từ nhóm chủ thể này là khi minh bạch, ngành thuế sẽ nắm bắt được số doanh thu thực tế từ trước đây và có thể bị truy thu thuế hoặc xử lý theo các chế tài của luật pháp. Một số đơn vị triển khai dịch vụ hoá đơn điện tử cho biết nhiều hộ yêu cầu xoá sạch doanh thu ghi nhận trên phần mềm của doanh nghiệp mà họ đang sử dụng.
TIẾP SỨC NHÓM YẾU THẾ
Phải thấy, không có chính sách nào thoả mãn tất cả lợi ích của mọi chủ thể liên quan. Khi triển khai Nghị định số 70/2025/NĐ-CP, có một tỷ lệ khá lớn trong nhóm hộ và cá nhân kinh doanh trong diện yếu thế dễ bị ảnh hưởng khi phải chi trả mua sắm các trang thiết bị và phần mềm, phí dịch vụ liên quan. Chưa kể việc chấp hành đúng đủ thì nghĩa vụ thuế sẽ nhiều hơn so với mức thuế khoán như trước.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Ban Chính sách Cục thuế (Bộ Tài chính) cho biết, để triển khai các quy định về hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo Nghị định số 70/2025/NĐ-CP, trong đó có quy định trách nhiệm của cơ quan thuế trong trường hợp người nộp thuế thuộc diện triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhưng chưa thực hiện chuyển đổi do chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, Cục Thuế xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần huy động nguồn lực, tranh thủ sự chỉ đạo, vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị.
“Cục Thuế đã, đang tích cực làm việc với các nhà cung cấp giải pháp, phần mềm lớn để kêu gọi cắt giảm chi phí quản lý, từ đó có phương án miễn phí phần mềm bán hàng, xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho các hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn cả nước”.
(Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó trưởng Ban Chính sách Cục Thuế, Bộ Tài chính)
Theo đó, cả hệ thống ngành thuế ở các tỉnh, thành phố đã triển khai quyết liệt, tổ chức các hội thảo, hội nghị hay các tổ công tác có sự phối hợp với hiệp hội tư vấn thuế, đại lý thuế, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp, phần mềm đến tận nơi kinh doanh của từng người nộp thuế để tuyên truyền chính sách, giải đáp vướng mắc cũng như có giải pháp hỗ trợ giảm giá thành chi phí hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho các hộ, cá nhân kinh doanh.
Từ đề nghị của Cục Thuế, có khá nhiều doanh nghiệp cung cấp công cụ hỗ trợ thao tác, tích hợp chữ ký số và kết nối tổng cục thuế đã chủ động chia sẻ một phần chi phí khi cung ứng dịch vụ hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Giám đốc Tài chính của Công ty KiotViet ước tính, quy định mới sẽ có tác động tới hàng triệu doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh trên cả nước. Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng kinh doanh tuân thủ, KiotViet đã triển khai chính sách miễn phí toàn bộ chi phí liên quan đến khởi tạo, sử dụng hóa đơn điện tử KiotViet và chữ ký số tích hợp sẵn trên hệ thống.
Cụ thể, từ ngày 01/06/2025, tất cả hộ kinh doanh sử dụng phần mềm KiotViet sẽ được (i) miễn phí sử dụng hóa đơn điện tử KiotViet và (ii) miễn phí chữ ký số.
Chính sách này giúp hộ kinh doanh tiết kiệm toàn bộ chi phí thường phát sinh như: lệ phí khởi tạo tài khoản hóa đơn điện tử, chi phí lưu trữ dữ liệu, phí dịch vụ theo số lượng hóa đơn phát hành và chi phí mua chữ ký số.
Đồng nghĩa với việc toàn bộ hơn 300.000 khách hàng hiện tại của KiotViet, hoàn toàn không phát sinh thêm bất kỳ chi phí nào để tuân thủ quy định mới của Nhà nước. Song song, những khách hàng mới bắt đầu sử dụng phần mềm KiotViet trong thời gian tới cũng được hưởng đầy đủ chính sách miễn phí này, từ hóa đơn điện tử đến chữ ký số.
“Việc đăng ký và phát hành hóa đơn điện tử được KiotViet thiết kế dành cho đa dạng mô hình kinh doanh: từ tạp hóa, quán ăn, thời trang, salon đến nhà hàng, khách sạn, với giao diện thân thiện, thao tác đơn giản, ngôn ngữ dễ hiểu. Chỉ với khoảng 10 phút làm quen cùng tài liệu hướng dẫn, ngay cả những người không rành công nghệ cũng có thể sử dụng dễ dàng mà không cần cài đặt thêm phần mềm bên thứ ba”, bà Thuỷ cho biết.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ KiotViet cho biết, trong bối cảnh cả nước nhất tâm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị, chúng tôi mong muốn đồng hành, tiếp sức cho các hộ kinh doanh là khách hàng của mình trong việc thực hiện Nghị định 70/2025/NĐ-CP. Đó là trách nhiệm, là cam kết của KiotViet với cộng đồng mình phục vụ. KiotViet đã tập trung chuẩn bị sẵn nền tảng công nghệ, huy động toàn bộ nguồn lực để hôm nay được sát cánh cùng các hộ kinh doanh trong giai đoạn quan trọng này.
“Không chỉ miễn phí bộ công cụ công nghệ giúp tuân thủ quy định pháp luật, đội ngũ chuyên viên tư vấn trên toàn quốc sẽ là lực lượng nòng cốt, trực tiếp đồng hành cùng hộ kinh doanh, giải đáp tận tình trong suốt quá trình từ tìm hiểu các quy định đến cài đặt, vận hành và tuân thủ nội dung liên quan”.
(Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ KiotViet).