Vừa qua, Chính phủ Anh và Hoa Kỳ đã công bố hợp tác thử nghiệm độ an toàn tại một số mô hình trí tuệ nhân tạo hàng đầu. Thỏa thuận được ký bởi Bộ trưởng Khoa học, Đổi mới và Công nghệ Vương quốc Anh Michelle Donelan và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo, đồng thời thống nhất phương hướng hợp tác giữa hai quốc gia, theo Yahoo Tech.
"Thỏa thuận đánh dấu bước ngoặt lớn của Vương quốc Anh với mục tiêu đảm bảo an toàn AI, mở rộng hợp tác đa phương với Chính phủ Hoa Kỳ", bà Donelan trả lời trong cuộc phỏng vấn tại Đại sứ quán Anh (Washington DC). "Kết quả hợp tác lần này giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Anh là động lực phát triển mạng lưới các viện nghiên cứu về AI trên toàn cầu".
Viện An toàn AI của Vương quốc Anh và Hoa Kỳ được thành lập cách nhau chỉ một ngày, ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh An toàn AI do Chính phủ Anh tổ chức tại Công viên Bletchley vào tháng 11/2023.
Mặc dù hai tổ chức đã công bố hợp tác ngay thời điểm thành lập, nhưng Bộ trưởng Donelan cho rằng thỏa thuận mới sẽ "chính thức hóa" và nâng giá trị "cốt lõi" của hợp tác lên tầm cao mới. Bà cũng nhận định thỏa thuận "mang lại cơ hội cho Viện An toàn AI Hoa Kỳ trong giai đoạn thành lập, bởi cơ sở phía Vương quốc Anh đang hoạt động rất hiệu quả".
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ AI AN TOÀN
Theo thông cáo báo chí, hai cơ quan sẽ cùng nhau phát triển cách tiếp cận chung nhằm kiểm tra mức độ an toàn AI, bao gồm sử dụng cùng một phương pháp và cơ sở hạ tầng cơ bản. Hai cơ quan thống nhất trao đổi nhân lực chất lượng cao và chia sẻ thông tin "phù hợp với luật pháp, quy định quốc gia và thoả thuận". Thông báo cũng cho biết hai viện có ý định thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm chung với các mô hình AI phổ biến hiện nay.
"Vương quốc Anh và Hoa Kỳ luôn giữ vững quan điểm đảm bảo sự phát triển an toàn AI là vấn đề toàn cầu", Bộ trưởng Raimondo khẳng định trong thông cáo báo chí. "Kế hoạch tăng cường, đẩy mạnh hợp tác quốc tế là hết sức quan trọng, cả hai quốc gia đều sẵn sàng chia sẻ thông tin về rủi ro liên quan đến các mô hình và hệ thống AI, đồng thời nghiên cứu kỹ thuật cơ bản về an toàn và bảo mật AI".
Một số bài kiểm tra mức độ an toàn đang được phát triển bởi hai Viện là nỗ lực to lớn, đặt nền móng giúp nhà lập pháp và ban điều hành các công ty công nghệ giảm thiểu rủi ro từ hệ thống trí tuệ nhân tạo vốn luôn tiến hoá hơn từng ngày.
Ngay sau thông báo, OpenAI và Anthropic, công ty đứng sau hai chatbot nổi bật nhất hiện nay ChatGPT và Claude, nhanh chóng bày tỏ mong đợi thử nghiệm an toàn sớm diễn ra nhằm điều chỉnh định hướng phát triển sản phẩm trong tương lai sao cho phù hợp.
ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC VÀO AI TẠI ANH VÀ HOA KỲ
Chính phủ Anh dưới thời Thủ tướng Rishi Sunak luôn dẫn đầu trong việc tổ chức phản ứng nhanh đối với các mô hình AI hiện đại nhất, thường được gọi là “frontier AI”, với lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An toàn AI và cam kết chi 100 triệu bảng Anh (125 triệu USD) cho Viện An toàn AI quốc gia.
Mặc dù sở hữu sức mạnh kinh tế vững vàng và là trụ sở của hầu hết công ty AI hàng đầu thế giới, cho đến nay Hoa Kỳ mới chỉ cam kết đầu tư 10 triệu USD cho Viện An toàn AI Hoa Kỳ (hợp tác với Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Hoa Kỳ, đang đối mặt với tình trạng đầu tư dưới mức cần thiết). Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương quốc Anh cho rằng 10 triệu USD không đủ phân bổ cho tất cả nguồn lực AI trên toàn chính phủ Hoa Kỳ.
"Hoa Kỳ đang đầu tư thời gian và công sức vào chương trình nghị sự này", bà Donelan cho biết, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo, người "đánh giá cao sự cần thiết khi hợp tác làm việc cùng nhau để phòng ngừa rủi ro và nắm bắt cơ hội". Bà Donelan lập luận, ngoài khoản tài trợ 10 triệu USD cho Viện An toàn AI Hoa Kỳ, quốc gia này "đang tận dụng hiểu biết chuyên môn hiện có từ chính phủ".
BÀI TOÁN SONG SONG: KIỂM SOÁT AI HAY THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI?
Mặc dù dẫn đầu ở một số khía cạnh trí tuệ nhân tạo, Chính phủ Anh vẫn quyết định không thông qua luật giảm thiểu rủi ro từ hệ thống AI tối tân. Đối lập với bà Donelan, người đứng đầu về Khoa học, Đổi mới và Công nghệ thuộc Đảng Lao động Anh Peter Kyle, nhiều lần khẳng định rằng chính phủ Đảng Lao động sẽ thông qua luật bắt buộc các công ty công nghệ công khai kết quả kiểm tra an toàn AI với Chính phủ, thay vì thỏa thuận tự nguyện như trước đây.
Tuy nhiên, bà Donelan cho biết, trong ngắn hạn Vương quốc Anh sẽ hạn chế kiểm soát AI bởi không muốn kìm hãm phát triển ngành hay thông qua những bộ luật “lỗi thời”.
"Chúng tôi không nghĩ việc vội vàng ban hành luật là đúng đắn. Đây là lĩnh vực chúng tôi muốn tách bạch khỏi EU, chúng tôi muốn thúc đẩy đổi mới và muốn lĩnh vực phát triển vượt bậc ở Anh", nữ Bộ trưởng kỳ vọng.
Tin tức cũng đề cập hai nước có thể phát triển mối quan hệ đối tác tương tự với nhiều quốc gia khác. Bà Donelan nhận định "một số quốc gia đang trong quá trình hoặc suy nghĩ về việc thành lập viện nghiên cứu", nhưng không chỉ rõ quốc gia nào. Được biết, Nhật Bản đã tuyên bố thành lập Viện An toàn AI vào tháng 2/2024.
"AI không có ranh giới địa lý", Bộ trưởng Donelan nhấn mạnh. "Chúng ta cần tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề này, tích cực chia sẻ thông tin và kiến thức chuyên môn bởi đây là lực lượng mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại."