December 31, 2024 | 11:09 GMT+7

Hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch điện 8 trước 28/2/2025

Nguyệt Hà -

Việc chậm trễ trong triển khai các dự án nguồn và lưới điện đang kéo dài tiến độ vận hành, ảnh hưởng đến các mục tiêu cung cấp đủ điện và phát triển kinh tế - xã hội. Những khó khăn này đòi hỏi phải điều chỉnh Quy hoạch Điện 8, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và các yêu cầu pháp luật...

Điều chỉnh Quy hoạch Điện 8 để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Ảnh minh họa.
Điều chỉnh Quy hoạch Điện 8 để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Ảnh minh họa.

Theo nội dung nêu tại Văn bản số 9600/VPCP-CN ngày 26 tháng 12 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước ngày 28 tháng 2 năm 2025.

ĐỀ XUẤT RÚT NGẮN MỘT SỐ THỦ TỤC SO VỚI QUY ĐỊNH

Để triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch thực hiện dự kiến các mốc tiến độ cần hoàn thành.

Theo đó, nhằm bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, Bộ Công Thương dự kiến một số mốc tiến độ cần hoàn thành như sau:

Trước ngày 03 tháng 01 năm 2025: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện 8, chỉ định đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch điện 8 và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của đề án, đồng thời giao Bộ Công Thương phê duyệt dự toán chi phí lập đề án;

Trước ngày 05 tháng 01 năm 2025: Các địa phương, Tập đoàn và cơ quan liên quan phải cung cấp thông tin, số liệu cho Bộ Công Thương phục vụ tính toán phương án phát triển điện lực;

Trước ngày 05 tháng 02 năm 2025: Bộ Công Thương/đơn vị tư vấn phải hoàn thành Dự thảo lần 1 của đề án điều chỉnh Quy hoạch điện 8, tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến các Bộ, ngành;

Trước ngày 10 tháng 02 năm 2025: Hiệu chỉnh đề án điều chỉnh Quy hoạch điện 8 theo góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ lần 1.

Bộ Công thương cũng đề xuất Chính phủ một số vấn đề sau: Chấp thuận chỉ định thầu cho Viện Năng lượng của Bộ Công Thương là đơn vị tư vấn lập đề án điều chỉnh Quy hoạch điện 8 và Báo cáo ĐMC của đề án (đây cũng là đơn vị đã thực hiện Quy hoạch điện 8); Chấp thuận triển khai một số thủ tục rút ngắn hơn so với quy định.

Bộ cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ ưu tiên xử lý các công việc, thủ tục liên quan đến điều chỉnh Quy hoạch điện 8 để đảm bảo tiến độ; đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan khẩn trương phối họp với Bộ Công Thương để sớm có ý kiến, cung cấp thông tin kịp thời theo đề nghị, phục vụ tính toán xác định phương án phát triển điện lực.

Trước đó, vào ngày 28 tháng 12 năm 2024, Bộ Công Thương đã họp để triển khai và phân công các đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản nêu trên, có văn bản báo cáo về lựa chọn đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch điện 8 và Báo cáo ĐMC của đề án và ban hành văn bản gửi các địa phương và các cơ quan liên quan đề nghị cung cấp thông tin phục vụ lập đề án điều chỉnh Quy hoạch điện 8.

Tại cuộc họp triển khai văn bản chỉ đạo số 9600/VPCP-CN ngày 26 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc trình điều chỉnh Quy hoạch điện 8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cục Điều tiết điện lực chủ trì, phối hợp với Viện Năng lượng và Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương triển khai nhiệm vụ lập đề án điều chỉnh Quy hoạch điện 8. Đồng thời, giao Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và Thứ trưởng Trương Thanh Hoài chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các địa phương khẩn trương cập nhật, bổ sung các dữ liệu mới kể từ khi Quy hoạch điện 8 được công bố đến nay; đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương trong triển khai các nhiệm vụ có liên quan.

ĐỊA PHƯƠNG DOANH NGHIỆP CUNG CẤP DỮ LIỆU LÀM CĂN CỨ ĐIỀU CHỈNH

Để có căn cứ, cơ sở điều chỉnh Quy hoạch điện 8, Bộ Công thương đã có công văn ngày 28/12/2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO); các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đề nghị cung cấp thông tin, số liệu phục vụ tính toán đề xuất phương án phát triển điện lực, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Cần sớm điều chỉnh Quy hoạch điện V8 để đảm bảo tăng trưởng kinh tế - xã hội. 
Cần sớm điều chỉnh Quy hoạch điện V8 để đảm bảo tăng trưởng kinh tế - xã hội. 

Trong đó, với Tập đoàn điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương yêu cầu cung cấp về: Hiện trạng tiêu thụ điện các năm 2021-2024 phân theo tỉnh/thành phố và phân theo 05 thành phần kinh tế; Hiện trạng phát triển nguồn điện theo loại hình nguồn điện toàn quốc và các miền các năm 2021-2024; Hiện trạng phát triển lưới điện truyền tải toàn quốc và theo miền các năm 2021-2024; Danh mục các dự án nguồn điện đang triển khai đầu tư và đề xuất đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Hiện trạng và dự kiến tình hình cung cấp nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện (than, khí, LNG...) đến năm 2030 và dự kiến sau 2030; Kế hoạch xuất nhập khẩu điện đến năm 2030 và dự kiến sau 2030 (Biểu mẫu EVN6); Dự báo phụ tải điện hệ thống điện quốc gia và các miền đến năm 2030 và dự kiến sau 2030 (Biểu mẫu EVN7).

Đối với tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ yêu cầu cung cấp: Danh mục các dự án nguồn điện đang triển khai đầu tư và đề xuất đầu tư của PVN; Hiện trạng tình hình cung cấp nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện; Quy hoạch khai thác khí trong nước và dự kiến khả năng cấp nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện đến năm 2050; Dự báo giá nhiên liệu giá khí trong nước, giá LNG, giá hydro/ammonia đến năm 2050;

Đối với Tổng công ty truyền tải điện, Bộ yêu cầu cung cấp: Báo cáo thống kê chính thức của EVNNPT các năm 2021, 2022, 2023, 2024; Báo cáo tình hình vận hành lưới điện truyền tải năm 2024; Thông tin về hiện trạng và kế hoạch bù công suất phản kháng trên lưới điện truyền tải; Tình hình thực hiện thỏa thuận đấu nối nguồn, lưới điện của các đơn vị ngoài EVN vào lưới điện thuộc quyền quản lý (Biểu mẫu NPT1); Danh mục các công trình lưới điện truyền tải đang thực hiện đầu tư xây dựng; Tình hình giải ngân vốn đầu tư các công trình lưới truyền tải năm 2021, 2022, 2023, ước thực hiện 2024 và dự kiến 2025.

Đề nghị Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) cung cấp thông tin về: Hiện trạng phát triển nguồn điện theo loại hình nguồn điện toàn quốc và các miền các năm 2021-2024; Sơ đồ một sợi lưới điện 110 - 220 - 500 kV toàn quốc đến năm 2024, hiện trạng vận hành hệ thống điện truyền tải, các thống kê quá tải lưới điện, sự cố, điện áp cao - thấp, dòng ngắn mạch, độ tin cậy, các vị trí nghẽn mạch...; Công suất và sản lượng cắt giảm các nguồn điện năng lượng tái tạo các năm từ 2019 đến 2024; Thống kê công suất khả phát, công suất phát thực tế theo từng giờ từ thời điểm đóng điện vận hành thương mại (COD) của một số nhà máy điện gió và điện mặt trời tại các khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ; Các giả thiết về hệ số đồng thời cho các nguồn điện năng lượng tái tạo trong các tính toán giải tỏa công suất theo từng tỉnh, vùng, miền và trên toàn quốc; Dự báo phụ tải điện toàn quốc và các miền đến năm 2030 và dự kiến sau 2030 (Biểu mẫu NSMO2); Phương án vận hành lưới điện và đảm bảo cung ứng điện năm 2025 - 2030.

Đối với UBND các tỉnh, Bộ đề nghị cung cấp: 3 loại danh mục thông tin.

Thứ nhất, các thông tin, số liệu chung về kinh tế - xã hội gồm: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh/thành phố, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch phát triển không gian đô thị của tỉnh/thành phố tầm nhìn đến 2050; Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2026-2030; Quy hoạch sử dụng đất/ Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh/thành phố đến năm 2030, 2035 (bao gồm thuyết minh, bản vẽ - dạng file mềm).

Thứ hai, các thông tin, số liệu liên quan đến hệ thống điện gồm: Danh mục nguồn điện hiện hiện trạng và các dự án nguồn điện đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện 8/Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 trên địa bàn tỉnh/thành phố; Danh mục các dự án nguồn điện tiềm năng chưa có trong Quy hoạch điện 8/Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 trên địa bàn tỉnh/thành phố; Tổng công suất nguồn điện mặt trời mái nhà và tổng công suất đăng ký phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh/thành phố; Danh mục các dự án có nhu cầu tiêu thụ điện lớn (từ 20 MW trở lên) trong tương lai (Biểu mẫu T03); Tiềm năng lý thuyết và tiềm năng kỹ thuật năng lượng sơ cấp trên địa bàn tỉnh/thành phố.

Thứ ba, các thông tin, số liệu liên quan đến môi trường gồm: Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh/thành phố các năm từ 2020 đến 2024 hoặc báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh/thành phố giai đoạn 2020 – 2024; Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh/thành phố; Quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh/thành phố; Quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh/thành phố; Quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh/thành phố; Quy hoạch/Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh/thành phố.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các tỉnh, thành cung cấp các thông tin về các sự cố môi trường liên quan đến nguồn và lưới điện trong 5 năm gần nhất; Hiện trạng và kế hoạch trong thời gian tới cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của tỉnh/thành phố; Tình hình thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh/thành phố; Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh/thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Nhu cầu sử dụng đất của các công trình nguồn điện và năng lượng khác; Các vấn đề môi trường và xã hội của các công trình điện và các công trình năng lượng khác.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate