December 21, 2021 | 06:00 GMT+7

Hoàn thiện thể chế số, “nuôi dưỡng” sáng tạo

Đỗ Phong -

Nhà nước cần chủ động hoàn thiện thể chế để tận dụng mọi cơ hội, tạo cú huých để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, hướng đến xây dựng quốc gia số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh tế mới…

Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ ba
Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ ba

Tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ ba vừa diễn ra tuần qua, vấn đề cơ chế chính sách, pháp lý cho chuyển đổi số, cho các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam, các loại hình công nghệ mới, mô hình dịch vụ kinh doanh mới… được các chuyên gia, tập đoàn, doanh nghiệp và startup nêu ra, đề xuất kiến nghị.

CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CHO SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ MAKE IN VIETNAM

Để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong thời gian qua đã tập trung nghiên cứu, sáng tạo, làm chủ nhiều giải pháp công nghệ mới “Make in Vietnam”.

Theo ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel, hạ tầng viễn thông và nền tảng đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi mua của nước ngoài thì sẽ không làm chủ công nghệ, không làm chủ được triển khai mạng lưới và đặc biệt là không đảm bảo an ninh mạng lưới và bảo mật thông tin.

Chính vì vậy, Viettel quyết tâm tự chủ trong việc nghiên cứu làm chủ sản xuất ra hệ sinh thái các thiết bị của hạ tầng mạng viễn thông và hạ tầng số, thực hiện chiến lược Make in Vietnam. Với bước đi trong nghiên cứu, phát triển các thiết bị trong thực tế, Viettel làm chủ tất cả công nghệ lõi chứ không chỉ dừng lại ở gia công, sản xuất cho nước ngoài.

Đại diện Viettel thông tin, với hạ tầng mạng 4G, Tập đoàn đã làm chủ 3 lớp: lõi, truyền dẫn và truy nhập. Đồng thời đã phát triển thành công thiết bị thu phát và làm chủ thiết kế 2 dòng chipset của 5G. Tập đoàn cũng đã triển khai các nền tảng công nghệ số trong thực tế cho chính phủ điện tử, y tế, giáo dục, giao thông…

Thủ tướng Chính phủ thăm quan các gian hàng sản phẩm công nghệ
Thủ tướng Chính phủ thăm quan các gian hàng sản phẩm công nghệ

Để thúc đẩy phát triển nghiên cứu ứng dụng, ông Dũng đề xuất kiến nghị Chính phủ cần xem xét có các chính sách đặc thù tạo dựng thị trường nội địa cho các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam. “Hiện nay chúng tôi rất muốn bán các sản phẩm ra thị trường Việt Nam nhưng vướng rất nhiều cơ chế nên các doanh nghiệp Việt chưa thể mua được các sản phẩm công nghệ cao của Viettel”.

Ngoài ra Tập đoàn này cũng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy định về sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ theo hướng tăng tính chủ động cho doanh nghiệp. Hàng năm, Viettel có khoảng 4.000 tỷ đồng để nghiên cứu khoa học, nhưng vì cơ chế rất khó nên chỉ tiêu được khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm.

Là doanh nghiệp tiên phong trong phát triển công nghệ phục vụ hoạt động vận hành logistics được ví như “mạch máu của nền kinh tế”, ông Kurt Bình, sáng lập và CEO Công ty Cổ phần giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog chia sẻ, nhiều năm trước, không ai nghĩ Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm phần mềm logistics có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thế giới tại Việt Nam. Nhưng hiện nay, chúng tôi đã có thể cạnh tranh sòng phẳng, không chỉ cung cấp cho nội địa mà cả các doanh nghiệp toàn cầu tại Việt Nam.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của logistics với nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Covid gây đứt gãy chuỗi cung ứng, đại diện Smartlog đề xuất cần xây dựng một tầm nhìn mới về nền tảng số quốc gia cho ngành logistics với 4 từ khoá: “nhanh hơn, xanh hơn, tốt hơn, hợp tác và chia sẻ tốt hơn”. Ông Bình cũng đề xuất cần phát triển dữ liệu số cho ngành logistics, thuận lợi hóa các nền tảng để chia sẻ tốt hơn; đồng thời tài trợ và thúc đẩy các sáng kiến phát triển ngành logistics trên cơ sở số hóa và công nghệ hóa.

NỀN TẢNG VÀ BỆ PHÓNG CHO CÁC LOẠI HÌNH MỚI

Tác động của Covid-19 có sự chuyển dịch lớn về vốn, các loại ngành nghề, tập trung vào các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng như công nghệ. Trong những xu hướng công nghệ mới nổi, bên cạnh AI là Blockchain đang tăng trưởng mạnh. Các chỉ số Blockchain thế giới đã tăng gấp 4 lần về tỷ lệ vốn hóa, từ 3,1 tỷ USD năm 2020 lên 15 tỷ USD vào năm 2021.

 
Chính phủ cần có chính sách rõ ràng, ổn định với lĩnh vực công nghệ mới như Blockchain, tài sản số. Khung pháp lý ổn định sẽ tạo nền tảng và bệ phóng vững chắc cho các loại hình mới.
Ông Nguyễn Thành Trung, CEO & Founder Sky Mavis

Trong xu hướng phát triển này, ông Nguyễn Thành Trung, CEO & Founder Sky Mavis nhận định, Việt Nam nổi lên như một hiện tượng mới của giới công nghệ Blockchain trên toàn cầu. Các công nghệ mới như Blockchain, NFT sẽ mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam đuổi kịp với các nền kinh tế lớn thế giới.

Nếu như trước đây, Việt Nam khó cạnh tranh với các doanh nghiệp công nghệ khác trên thế giới thì với công nghệ Blockchain, xuất phát điểm các quốc gia là như nhau. Vì vậy, CEO Sky Mavis cho rằng, Việt Nam có vị thế lớn để đuổi kịp các nước khác về công nghệ này.

Xuất phát từ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Blockchain, ông Trung đề xuất Chính phủ cần có chính sách rõ ràng, ổn định với lĩnh vực công nghệ mới như Blockchain, tài sản số. Khung pháp lý ổn định sẽ tạo nền tảng và bệ phóng vững chắc cho các loại hình mới. Theo ông Trung, việc chuyển dịch từ tài sản hiện hữu lên tài sản số, tài sản điện tử sẽ giúp ích quá trình trao đổi, giao dịch mua bán diễn ra dễ dàng hơn nhưng cũng đòi hỏi khung pháp lý có thể hỗ trợ cho các loại hình kinh tế mới.

Bên cạnh đó cần hình thành các tổ chức có vai trò hỗ trợ, phát triển; đào tạo kiến thức công nghệ vào các chương trình đào tạo nhân lực, tuyên truyền đúng đắn về tài sản số. Ngoài ra, cần có cái nhìn khác, đúng đắn về tài sản số cũng như game trong bối cảnh Việt Nam có nhiều công ty làm game, đang hoạt động mạnh mẽ. Theo Sky Mavis, game là loại hình có yếu tố sáng tạo cao và có tiềm năng phát triển trong tương lai.

HOÀN THIỆN THỂ CHẾ SỐ ĐỂ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN

Theo các chuyên gia, công nghệ số tác động đến đời sống kinh tế - xã hội theo nhiều cách khác nhau, tạo lập và vận hành mô hình kinh doanh mới... Khi phương thức sống của con người thay đổi, pháp luật cũng cần thay đổi kịp thời.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, điều này đòi hỏi Nhà nước cần chủ động hoàn thiện thể chế để tận dụng cơ hội, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hướng đến xây dựng quốc gia số. Tuy nhiên, việc xây dựng thể chế phục vụ công cuộc chuyển đổi số còn những thách thức không chỉ tại Việt Nam mà cả các nước.

 

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, thể chế cần đi trước, phát huy vai trò kiến tạo phát triển, thúc đẩy toàn dân sáng tạo, doanh nhân khởi nghiệp. Thể chế phục vụ chuyển đổi số, một mặt vừa phải tạo điều kiện, khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mặt khác phải tạo ra khuôn khổ pháp lý an toàn để loại trừ những tác động bất lợi cho xã hội, cơ quan quản lý và người tiêu dùng.

Minh chứng điều này, ông Huy phân tích, trước hết đó là thách thức trong việc đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện thể chế để theo kịp với tốc độ phát triển công nghệ số. Những tiến bộ của khoa học công nghệ trong thời gian gần đây đã vượt qua dự tính của các nhà lập pháp và đặt ra nhiều thách thức về mặt pháp lý.

Cùng với đó là sự thay đổi giữa các bên trong quá trình tham gia thị trường. Trong các mô hình kinh doanh mới, ranh giới giữa các nhà cung cấp dịch vụ, sản xuất, người tiêu dùng không còn rõ ràng. Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ số còn xuất hiện dạng tài sản mới như tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, dữ liệu số. Đây là những tài sản số chưa được hệ thống pháp luật truyền thống điều chỉnh một cách hữu hiệu…

Những thách thức trên đòi hỏi phải có cách tiếp cận sáng tạo, khác biệt trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thể chế phục vụ cho quá trình chuyển đổi số vừa phải tạo điều kiện khuyến khích thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vừa phải tạo ra các khuôn khổ pháp lý an toàn để loại trừ các tác động bất lợi với xã hội, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng.

Do đó, theo ông Huy, thời gian tới cần phải tiếp tục xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể để hoàn thiện thể chế, phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, không chỉ pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông mà cả khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, pháp luật chuyên ngành đối với sự xuất hiện của các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới…

Để khuyến khích đổi mới sáng tạo, tư duy xây dựng pháp luật phải có bước chuyển phù hợp từ chủ yếu là điều chỉnh, can thiệp sang kiểm soát và có điều kiện. Thực tế phát triển của công nghệ ở nhiều nước cho thấy, sự can thiệp quá mức của thể chế sẽ là một trong những rào cản đối với đổi mới sáng tạo. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có sự cân nhắc rất kỹ lưỡng khi quyết định ban hành các quy định pháp luật có liên quan.

Vị Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, trong những trường hợp cần thiết, có thể tiến hành các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trước khi có các giải pháp ở mức độ phạm vi rộng hơn. Trong giai đoạn hiện nay, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, thể chế cần đi trước và phát huy vai trò kiến tạo, thúc đẩy toàn dân sáng tạo, doanh nhân khởi nghiệp.

Nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số, phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ ba, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, “nếu không có thể chế phù hợp thì sẽ cản trở sự phát triển. Thể chế không thể phủ hết các trường hợp, các góc cạnh của cuộc sống nên phải hết sức chủ động, linh hoạt, phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bất cập để sửa đổi, bổ sung, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Thể chế cần ở đâu thì làm ở đó, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó, thiếu hụt ở đâu thì bù đắp ở đó”.

 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ. Một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hóa các ý tưởng số mới, nhiều doanh nghiệp số năng động. Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý…
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate