Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Theo đó, trong lĩnh vực điện lực, Nghị định quy định rõ mức phạt các hành vi vi phạm quy định về Giấy phép hoạt động điện lực.
Cụ thể, phạt tiền tổ chức từ 50 - 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Hoạt động điện lực trong thời gian Giấy phép hoạt động điện lực bị mất, bị thất lạc mà không báo cáo cơ quan cấp giấy phép; không báo cáo với cơ quan cấp giấy phép chậm nhất 60 ngày trước khi ngừng hoạt động điện lực hoặc chuyển giao hoạt động điện lực trong trường hợp Giấy phép hoạt động điện lực còn thời hạn sử dụng.
Phạt tiền tổ chức từ 90 - 120 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không tuân thủ một trong các nội dung của Giấy phép hoạt động điện lực, trừ các hành vi khác quy định tại Nghị định này; tự ý sửa chữa, cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy phép hoạt động điện lực…
Phạt tiền tổ chức từ 120 - 160 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Cung cấp hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép không chính xác, không trung thực; hoạt động điện lực khi Giấy phép hoạt động điện lực đã hết thời hạn sử dụng; không đảm bảo một trong các điều kiện hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật trong suốt thời gian hoạt động.
Phạt tiền tổ chức từ 160 - 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Hoạt động điện lực mà không có Giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động điện lực trong thời gian bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại Giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi đối tượng vi phạm có được từ hoạt động điện lực trong thời gian vi phạm để sung vào ngân sách nhà nước.
Đối với vi phạm quy định về xây dựng Biện pháp, Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Nghị định 17 cũng quy định cụ thể các mức phạt.
Theo đó, phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng đối với hành vi gửi Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp và Quyết định ban hành Biện pháp chậm quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định ban hành Biện pháp đến Sở Công thương tỉnh, thành phố nơi xây dựng hoạt động hóa chất để giám sát, quản lý.
Phạt tiền từ 3 – 4 triệu đồng đối với hành vi xây dựng thiếu nội dung bắt buộc của Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Phạt tiền từ 4 – 5 triệu đồng đối với hành vi không gửi Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp và Quyết định ban hành Biện pháp đến Sở Công thương tỉnh, thành phố nơi xây dựng hoạt động hóa chất để giám sát, quản lý.
Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi không lưu giữ Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được ban hành tại cơ sở hóa chất làm căn cứ để tổ chức, cá nhân thực hiện công tác kiểm soát an toàn tại cơ sở và xuất trình các cơ quan thẩm quyền khi có yêu cầu.
Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng đối với hành vi đã xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng không ra quyết định ban hành Biện pháp mà vẫn đưa dự án vào hoạt động.
Phạt tiền từ 12 - 15 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện bổ sung, chỉnh sửa Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong trường hợp có sự thay đổi trong quá trình đầu tư và hoạt động liên quan đến những nội dung đề ra trong Biện pháp.
Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất mà vẫn đưa dự án vào hoạt động.
Đối với hành vi vi phạm quy định xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Nghị định 17 quy định rõ, phạt tiền từ 10 – 15 triệu động đối với hành vi không lưu giữ Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt tại cơ sở hóa chất làm căn cứ để tổ chức, cá nhân thực hiện công tác kiểm soát tại cơ sở và xuất trình các cơ quan thẩm quyền khi có yêu cầu.
Phạt tiền từ 15 – 17 triệu đồng đối với hành vi có sự thay đổi trong quá trình đầu tư và hoạt động liên quan đến các nội dung đề ra trong Kế hoạch đã được phê duyệt mà tổ chức, các nhân không gửi báo cáo về Bộ Công Thương xem xét, quyết định.
Phạt tiền từ 17 – 20 triệu đồng đối với hành vi xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt mà vẫn đưa dự án vào hoạt động.
Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng và cất giữ hóa chất nguy hiểm mà vẫn đưa dự án vào hoạt động.