Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay tình hình tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp về quy mô, tính chất và phương thức hoạt động.
HOẠT ĐỘNG MẠI DÂM DIỄN BIẾN PHỨC TẠP CẢ VỀ QUY MÔ VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG
Theo báo cáo mới nhất từ các địa phương cho thấy, hiện nay trên cả nước ước tính có trên 7.500 người bán dâm, trong đó số người bán dâm được các cơ quan chức năng thống kê (qua xử lý vi phạm hành chính, hỗ trợ xã hội, y tế...) là 2.116 người.
Tuy nhiên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều do tính di biến động, phức tạp, trá hình của hoạt động mại dâm.
Đáng chú ý, hoạt động mại dâm tại nơi công cộng có xu hướng giảm mạnh nhưng thay bằng nhiều phương thức hoạt động kín đáo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tình trạng mại dâm trá hình “núp bóng” trong cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, nhất là các khu du lịch, nghỉ dưỡng, resort; có sự đan xen giữa tổ chức mua bán dâm và sử dụng trái phép các chất ma túy.
Cùng với đó, mại dâm biến tướng theo “hợp đồng”, đường dây “gái gọi” diễn ra tinh vi, kín đáo, hoạt động liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài với nhiều hình thức như: Núp dưới danh nghĩa thuê người yêu; tour du lịch trong nước để tổ chức hoạt động mua bán dâm; có sự tham gia của học sinh, sinh viên, người mẫu, diễn viên, mại dâm nam, mại dâm đồng tính nam xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm.
Đồng thời, đã xuất hiện đường dây bán dâm do người nước ngoài tổ chức, gái bán dâm là người nước ngoài.
Các đối tượng lợi dụng mạng internet, ứng dụng công nghệ cao, thông qua các trang mạng xã hội, diễn đàn, nhóm kín để đăng tải thông tin, hình ảnh giới thiệu, tiếp thị, thỏa thuận mua bán dâm. Đặc biệt, đã xuất hiện các thủ đoạn mới như thanh toán bằng tiền ảo, các hình thức trung gian thanh toán hoặc tài khoản ngân hàng không chính chủ, nạp tiền qua các đại lý game online.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng thống kê toàn quốc hiện có 90.130 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (giảm 36.753 cơ sở so với cùng kỳ năm 2022), với tổng số nhân viên là gần 134.000 người, trong đó, hơn 54.300 cơ sở lưu trú, 13.720 cơ sở karaoke và mát xa, 188 vũ trường, 21.894 các loại hình khác (cắt tóc, gội đầu, nhà hàng ăn uống, cơ sở spa...).
Hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở dịch vụ này vẫn khó kiểm soát, đặc biệt trong các khách sạn lớn, các cơ sở kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài, vũ trường, quán bar, cơ sở dịch vụ karaoke, massage...
Đến nay, cả nước tồn tại hơn 280 tụ điểm, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm. Các vụ việc về mại dâm vẫn tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố lớn và một số địa phương có các khu du lịch, khu công nghiệp như: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Vĩnh Long…
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA CÁC CƠ SỞ KINH DOANH DỄ PHÁT SINH TỆ NẠN MẠI DÂM
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an đã tăng cường kiếm tra tại một số địa bàn trọng điểm như: TP. Hà Nội (1.306 cơ sở), Thái Nguyên (416 cơ sở), Quảng Ninh (443 cơ sở), TP.HCM (2.609 cơ sở), Đồng Nai (2.486 cơ sở), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.122 cơ sở), Long An (1.750 cơ sở), Tây Ninh (625 cơ sở).
Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm tại các địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra 15.353 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm (tăng 1,5 lần số lượt so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý vi phạm 1.569 cơ sở (tăng 161 cơ sở so với cùng kỳ năm 2022).
Trong đó, xử lý bằng hình thức cảnh cáo 726 cơ sở; phạt tiền 657 cơ sở với số tiền phạt 679 triệu đồng; 176 cơ sở bị đình chỉ kinh doanh; 12 cơ sở bị rút giấy phép kinh doanh; 98 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
Theo báo cáo của các địa phương, cơ quan chức năng đã phối hợp, thực hiện 593 cuộc truy quét tại địa điểm công cộng (giảm 1.023 cuộc so với cùng kỳ năm 2022), 678 cuộc triệt phá tại cơ sở kinh doanh dịch vụ (tăng 262 cuộc, đạt 60,5% so với cùng kỳ năm 2022).
Lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm. Tổng số người vi phạm pháp luật là 1.417 người, trong đó, số chủ chứa, môi giới mại dâm là 333 đối tượng; số người bán dâm là 558 người, số người mua dâm là 515 người, số người bán dâm dưới 18 tuổi là 11 người. Tổng số người bị xử lý vi phạm hành chính là 1.139 người (tăng 44 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022).
Theo thống kê của ngành Kiểm sát về tội phạm mại dâm, trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan điều tra đã thụ lý 344 vụ/479 bị can; Viện kiểm sát thụ lý giải quyết 225 vụ/311 bị can; Tòa án thụ lý giải quyết 305 vụ/452 bị cáo.
Các Tòa án nhân dân đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 318 vụ với 467 bị cáo về các tôi phạm liên quan đến mại dâm (tăng 31 vụ, 18 bị cáo so với cùng kỳ năm trước); đã giải quyết, xét xử 254 vụ với 365 bị cáo, đạt tỷ lệ 79,9% về số vụ, 78,2% về số bị cáo.
Trong 240 vụ, 340 bị cáo được đưa ra xét xử, các Tòa án đã tuyên phạt tù trên 7 năm đến 15 năm đối với 7 bị cáo; trên 3 năm đến 7 năm đối với 103 bị cáo; từ 3 năm trở xuống đối với 228 bị cáo, còn lại là các hình phạt khác.
Tội phạm mại dâm được xét xử chủ yếu gồm: Tội môi giới mại dâm 131 vụ/189 bị cáo (chiếm 54,58%), Tội chứa mại dâm 107 vụ/149 bị cáo (chiếm 44,58%), Tội mua dâm người dưới 18 tuổi 2 vụ/2 bị cáo (chiếm 0,84%).