Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: Học viện Quốc phòng là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu của quân đội và của cả nước. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, năm học 2022-2023, Học viện đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng Học viện Quốc phòng ngày càng chính quy, tiên tiến, mẫu mực, ngang tầm nhiệm vụ, với nhiều kết quả nổi bật…
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: Đất nước ta, mặc dù đạt được những thành tựu rất quan trọng nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, chịu tác động tiêu cực của xung đột quân sự Nga – Ukraina và khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.
Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục chống phá ta với nhiều thủ đoạn thâm hiểm hơn; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; tội phạm diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, ngày càng tinh vi. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt gay gắt hơn. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Để Học viện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bên cạnh phương hướng, nhiệm vụ Học viện đã đề ra, Chủ tịch nước nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện tốt trong thời gian tới. Trong đó, Học viện phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện - đào tạo. Học viện cần tiếp tục chủ động, tích cực, sáng tạo, đi đầu trong thực hiện chủ trương “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo.
Phát huy thành tích trong những năm qua, tiếp tục đổi mới có tính đột phá về chương trình, nội dung giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Chú trọng đổi mới công tác huấn luyện - đào tạo, nhất là đổi mới chương trình đào tạo cán bộ chiến dịch - chiến lược của Quân đội; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ diện Trung ương quản lý, bảo đảm sát nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước, sự phát triển của Quân đội; phù hợp với đối tượng tác chiến và phương thức chiến tranh trên thế giới hiện nay.
Theo Chủ tịch nước, Học viện Quốc phòng phải là đầu tầu về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, góp phần tích cực vào xây dựng đội ngũ cán bộ của Quân đội, cán bộ cấp chiến lược của Đảng, Nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tình hình mới.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển khoa học quốc phòng, an ninh, quân sự trong tình hình mới.
Kế thừa, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của cha ông, tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới để phát triển lý luận quân sự, quốc phòng, an ninh, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các vấn đề về chiến lược quốc phòng, an ninh, quân sự, nhất là nhận thức mới, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc...
Với học viên, Chủ tịch nước lưu học viên phải ý thức sâu sắc, xác định trách nhiệm, vinh dự của mình khi là học viên của Học viện Quốc phòng, từ đó cùng nhau xây dựng môi trường học tập thân thiện, hiện đại, giàu tính tranh luận, trau dồi tri thức, kinh nghiệm, nâng cao năng lực tư duy để nhận thức đúng vấn đề, có phương pháp, tự tin giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Phải xác định động cơ học tập đúng đắn, "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại" như Bác Hồ đã dạy.
Mỗi học viên phải luôn rèn luyện lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống; khắc phục tình trạng ngại và lười học tập lý luận chính trị. Có ý thức tổ chức kỷ luật, có tác phong, lối sống lành mạnh, chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của Học viện.
Phải coi thời gian được học tập tại Học viện Quốc phòng là cơ hội, là môi trường để nâng cao trình độ, kiến thức quốc phòng, an ninh, được học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các học viên khác.
Về hợp tác quốc tế, Chủ tịch nước đề nghị Học viện tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các Học viện, Trường Đại học Quốc phòng - Quân sự trên thế giới tiếp tục mở các lớp đào tạo quan chức quốc phòng quốc tế. Đây là những nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong tình hình hiện nay…
Diễn văn khai giảng của Thượng tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện cho biết: Năm học 2023 - 2024, Học viện được giao mở các lớp: Đào tạo dài hạn chỉ huy - tham mưu chiến dịch, chiến lược khóa 12; Đào tạo cao cấp ngắn hạn; Dự kiến Đào tạo cao cấp lý luận chính trị…
Mỗi khóa học có chương trình, nội dung, yêu cầu khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu cấp chiến dịch - chiến lược, cán bộ nghiên cứu khoa học quân sự có thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nắm vững những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội nhân văn quân sự; đường lối chính trị, quốc phòng, an ninh; nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở đó nâng cao bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; quán triệt sâu sắc quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng vào lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi chức trách được phân công; có khả năng phân tích, nhận định, đánh giá tình hình; góp phần tham gia hoạch định những vấn đề chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, quân sự và hợp tác quốc tế. Học viện tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp.