UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) ngày 3/4 vừa ban hành Phương án về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động Hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An. Theo đó, từ ngày 15/5, Hội An sẽ áp dụng yêu cầu bắt buộc mua vé tham quan trước khi vào phố cổ Hội An đối với tất cả du khách trong và ngoài nước. Giá vé áp dụng 80 nghìn đồng/vé đối với khách trong nước và 120 nghìn đồng/vé đối với khách quốc tế. Thời gian hoạt động bán vé tham quan Khu phố cổ là từ 7h30 đến 21h30 hàng ngày vào mùa hè, và đến 21h vào mùa đông.
Theo lý giải của Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn, nguồn thu từ vé tham quan phục vụ cho việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích, cải tạo hạ tầng trong khu phố cổ, tổ chức các sự kiện du lịch, cũng như hỗ trợ người dân trong việc trùng tu, cải tạo nhà… Đồng thời, ông Sơn xác nhận đây mới chỉ là phương án đưa ra và tất cả chỉ nằm trong dự thảo. Để triển khai, các cơ quan, ban ngành của thành phố còn phải họp với đơn vị lữ hành, đặc biệt là tham vấn ý kiến của chính các cư dân sinh sống trong khu phố cổ.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng việc thu phí tham quan đã được phố cổ Hội An làm từ lâu và qua nhiều lần điều chỉnh. Ông Lanh nói về bản chất, chủ trương này không mới, thậm chí mỗi lần câu chuyện siết, điều chỉnh vé, phí được đề cập luôn nhận được sự phản ứng quyết liệt. Tuy nhiên xu thế áp dụng thu phí, "lấy di tích nuôi lại di tích" là việc cần làm để giữ Hội An tốt hơn.
"Lâu nay có hiện tượng nhiều công ty lữ hành mặc dù bán tour cho khách có tính phí tham quan trong tổng chi phí nhưng khi khách tới thì lại thả khách "đi lang thang" mà không mua vé. Từ đây khách không được tham quan, thiệt thòi quyền lợi, tạo ra sự bất bình đẳng giữa người mua vé và người không bỏ tiền", ông Lanh nói. Ông Lanh cho rằng khi siết lại việc mua vé, Hội An sẽ làm tốt hơn khâu chăm sóc, làm đẹp hơn phố cổ để "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", chứ không phải vì tấm vé mà đánh mất hình ảnh của mình.
Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp lữ hành, vấn đề là Hội An sẽ ứng xử thế nào, tổ chức thu phí thế nào để đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người, lựa chọn thời gian cũng như phương án phù hợp. Chuyên gia du lịch, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng, câu chuyện thu phí vào cổng của Hội An cũng như nhiều điểm đến khác ở Việt Nam hiện nay cần phải được xem xét toàn diện ở nhiều yếu tố. "Thu phí vào thì khách có giảm không? Khách giảm thì nguồn thu từ chi tiêu, mua sắm, ăn uống hụt bao nhiêu so với phần thu được từ bán vé? Lãnh đạo thành phố Hội An phải tính toán thu phí được nhiều hơn hay mất nhiều hơn và chịu trách nhiệm cho tính toán đó", TS Lương Hoài Nam cảnh báo.
Đồng tình, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vietcircle khẳng định, việc Hội An khoanh vùng cả thành phố để thu vé tham quan của du khách là không hợp lý. Hội An không chỉ là một điểm du lịch mà còn có vai trò của một đô thị. Nơi đây không chỉ phục vụ du khách tới tham quan mà còn phục vụ nhiều nhu cầu khác như ăn uống, mua sắm hàng hóa, thăm thân hoặc đơn giản chỉ là rảo bước trên đường. Với những nhu cầu như vậy thì việc thu phí gây nên rào cản và bất tiện.
"Khu phố cổ San Diego cũng là một điểm du lịch nổi tiếng được mệnh danh điểm đến tốt nhất nước Mỹ nhưng họ không bán vé vào cổng. Chỉ có một số điểm rất đặc biệt trong thành phố mới bán vé tham quan. Bù lại, họ bán dịch vụ. Điểm tham quan chỉ là yếu tố kích thích khách đến, còn du lịch phải hướng tới doanh thu qua dịch vụ tăng thêm, từ nhà hàng, khách sạn, mua sắm...", ông Phan Đình Huê dẫn chứng.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt tours cũng tỏ ra trăn trở: “Hội An cũng có những điểm tham quan, nếu du khách muốn tham quan những di tích đặc biệt này thì phải mua vé, trả phí là đúng. Tuy nhiên, nếu khách muốn vào phố cổ chỉ để ăn cao lầu hay may áo dài, mà lại “bắt” khách mua vé thì hơi phi lý. Từ trước đến nay chúng ta không thu phí vào phố cổ, tuy mất một ít nguồn thu nhưng du khách sẽ mua sắm, ăn uống, chi tiêu nhiều hơn tiền vé. Đồng thời, chúng ta được lợi gấp mấy lần chính là tình cảm thân thiện của du khách”.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel thì đề xuất Hội An nên có chính sách hợp lý với những du khách không có nhu cầu tham quan các di tích. Nhiều người chỉ muốn vào Hội An ăn bát mì, uống cốc cà phê nên việc thu đồng giá 80.000 đồng có thể chưa hợp lý. Mặt khác, nhiều khách ở khách sạn ngoài khu vực phố cổ nhưng vẫn đến chơi mỗi ngày. Thành phố cũng nên đưa ra các gói vé kiểu "combo ra vào nhiều lần" có giới hạn thời gian sử dụng.
Từ trước đến nay, Hội An đang áp dụng phí tham quan đối với khách đi vào khu vực 1, thuộc quẩn thể "đỏ" bảo vệ nghiêm ngặt với hơn 1.107 di tích cổ. Bình quân mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt người ra vào phố cổ. Tuy nhiên thống kê cho thấy chỉ 40% lượng người qua các chốt kiểm soát vào quầy mua vé, chủ yếu khách quốc tế. Theo nhiều hãng lữ hành, việc siết lại vé tham quan là điều nên làm để công bằng cho tất cả mọi người. Bởi việc bảo tồn và hoạt động du lịch tại phố cổ cần nhiều chi phí, những người đến Hội An phải có trách nhiệm trùng tu di sản. Vấn đề bây giờ là thu đúng đối tượng, triển khai hợp lý, tính toán cách thức thu phí cho phù hợp.
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, không nên phân biệt giá vé giữa du khách Việt Nam và nước ngoài, tạo nên hình ảnh không tốt cho du lịch Việt Nam. Hội An cũng cần áp dụng công nghệ để kiểm soát vé, chứ không thể làm thủ công như lâu nay. Đặc biệt cần công khai, minh bạch cho du khách thấy số tiền mình đóng góp đã được quay lại bảo tồn di tích ra sao. Nếu làm được thì du khách sẽ ủng hộ.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh truyền hình TP. Hội An, cho biết: “Hội An luôn tiếp thu ý kiến phản biện, đóng góp của tất cả mọi người. Trong quá trình làm sẽ có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế chứ không bảo thủ, cứng nhắc. Chắc chắn chúng tôi sẽ linh hoạt, tiếp thu, nghiên cứu cho phù hợp”.
Trước đây, thanh phố Venice (Italia) cũng đã từng nhiều lần đề xuất thu phí du khách. Theo CNN, chính quyền thành phố này dự kiến từ tháng 1/2023, khách tới đây trong ngày phải trả phí từ 3 Euro đến 10 Euro/người. Mức phí chênh lệch vào từng mùa cao điểm hay thấp điểm. Việc thu phí được áp dụng với những du khách tham quan trong ngày, còn khách lưu trú qua đêm được miễn phí vé vào thành phố. Tuy nhiên, mục đích của giới chức Venice là nhằm kiểm soát tình trạng du lịch quá tải ở đây. Trước đại dịch, Venice là một trong những điểm đến rơi vào tình trạng quá tải hàng đầu thế giới, thường xuyên phải đón lượng khách "khổng lồ" vào mọi thời điểm trong năm.