Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 5/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Theo các đại biểu Quốc hội, nước ta có nhiều di sản để phục vụ cho phát triển du lịch, song vấn đề đặt ra là cần phát suy giá trị di sản, biến thành tiềm năng tạo ra tài sản.
CÓ TÌNH TRẠNG QUÁ TẢI TẠI CÁC ĐIỂM THAM QUAN DI TÍCH
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn tỉnh Bắc Kạn, nhìn nhận du lịch di sản đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua.
Tuy nhiên, cùng với nhiều di sản đã được khai thác tối đa giá trị kinh tế cũng khiến nhiều điểm tham quan di tích quá tải, lộn xộn, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm đã làm mất đi tính thiêng của lễ hội.
“Các di sản văn hóa khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình hàng hóa hóa di sản, quá trình này diễn ra không theo mùa vụ, không theo chu kỳ hoạt động của di sản, mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của du khách”, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nói.
Trước thực tế trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và DU lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết ý kiến về vấn đề này, cũng như có giải pháp để xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh “không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi di sản văn hóa và môi trường”.
Trả lời đại biểu đoàn Bắc Kạn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm đến công tác bảo tồn di tích, di sản, coi di tích di sản là báu vật của thiên nhiên ban tặng. Những di sản đã trải qua ngàn đời, được cha ông ta vun đắp, kiến tạo và xây dựng, do đó trách nhiệm của chúng ta là phải bảo tồn và phát huy di sản đó, cũng như đề cao trách nhiệm bảo vệ.
Theo Bộ trưởng Hùng, chính vì thế, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang tiếp tục được hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần này. “Quan điểm chung là bảo tồn phát huy các giá trị di sản này, biến các giá trị di sản thành tài sản. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bằng mọi giá đánh đổi vì mục tiêu kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Đối với các di tích, di sản đã được công nhận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết chính quyền địa phương - nơi được giao trách nhiệm quản lý đều có chương trình hành động đi kèm để bảo vệ phát huy giá trị các di tích, di sản.
Về giải pháp căn cơ cho vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định cần tôn trọng các cam kết, các phương án bảo vệ di tích, di sản sau khi được công nhận. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm để vấn đề bảo vệ di sản đi vào trong tiềm thức, không lợi dụng các di tích, di sản, hoặc làm xấu đi hình ảnh của các di tích, di sản...
Bên cạnh đó, khi các di sản được công nhận, tôn vinh, điều quan trọng là cần biết khai thác một cách hợp lý, đặc biệt là xây dựng được các sản phẩm gắn liền với di tích, di sản có tính văn hóa, trên cơ sở đó để phục vụ cho phát triển du lịch.
BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC
Bên cạnh bảo vệ, phát huy giá trị di sản, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề giải pháp bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đại biểu Châu Quỳnh Dao, Đoàn tỉnh Kiên Giang cho rằng sự độc đáo trong bản sắc văn hóa dân tộc là một yếu tố then chốt để giữ chân du khách, cũng như thu hút họ quay trở lại du lịch.
Tuy nhiên, thực thế hiện nay, một số công trình, sản phẩm du lịch có hiện tượng lai căng, sao chép những danh thắng và đặc trưng của nước ngoài. Theo đại biểu, mặc dù thu hút được một bộ phận khách du lịch và tạo ra lợi nhuận, nhưng về lâu dài sẽ có nhiều hệ lụy. Đó là làm mất đi vẻ đẹp đặc trưng của vùng miền, bản sắc dân tộc Việt Nam.
Do đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết quan điểm về vấn đề này và những giải pháp để khắc phục.
Trao đổi với đại biểu liên quan đến sản phẩm du lịch của nước ta mang hơi hướng của các quốc gia khác, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 82 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị 08, trong đó Thủ tướng đã xác định sản phẩm du lịch phải độc đáo, môi trường du lịch cần văn minh, thân thiện, giá cả phải cạnh tranh và có hợp tác. Đồng thời, có liên kết với nhân dân để phát triển du lịch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, khi thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị này, tình hình du lịch của nước ta đã được cải thiện, trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta đã đón 7,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ trên 50 triệu lượt khách nội địa, và có mức tăng trưởng nhất định.
Bộ trưởng cũng cho rằng các bộ sản phẩm du lịch hiện nay được nhận diện và đang áp dụng là đi đúng hướng. Du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa cũng là một hướng đi rất phù hợp, tương tự du lịch cộng đồng, hay du lịch nghỉ dưỡng cũng vậy…
“Ở đâu đó có một vài sản phẩm cá biệt thì chúng tôi sẽ thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh trong thời gian tới. Nhưng chúng ta cũng không nên quá khắt khe, bởi đây cũng là sự giao lưu về văn hóa chứ không hẳn chỉ là bắt chước làm theo”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận.
Theo đó, những tiến bộ, tinh hoa văn hóa nhân loại thì chúng ta cần tiếp thu để bổ sung và làm giàu cho văn hóa Việt Nam.
Cũng đề nghị có giải pháp để giảm tác động tiêu cực đến giá trị văn hoá truyền thống, đại biểu Tráng A Dương, đoàn tỉnh Hà Giang nhấn mạnh hơn đến khía cạnh này ở cộng đồng vùng biên giới.
Đối với vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết trong Chương trình mục tiêu quốc gia có một dự án thành phần - dự án số 06 về vấn đề này. Còn về phía Bộ đã tập trung khảo sát, nhận diện, đánh giá và công nhận các di tích, di sản, loại hình văn hóa cơ sở.
Đây là điều quan trọng để bảo tồn các giá trị văn hóa. Đồng thời, Bộ cũng có các hoạt động tôn vinh các ngày văn hóa; liên hoan văn hóa đồng bào dân tộc để giao lưu, trao đổi văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa; tập huấn cho cán bộ văn hóa cơ sở.