Dự kiến diễn ra từ ngày 15-18/7, Hội nghị Trung ương 3 khóa XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một trong những những sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức 5 năm một lần, là nơi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra các quyết sách có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hội nghị này lẽ ra được tổ chức vào mùa Thu năm ngoái nhưng được trì hoãn tới thời điểm này. Do đó, sự kiện nhận được sự quan tâm lớn của giới tài chính toàn cầu.
Hội nghị Trung ương 3 lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn. Trong đó, thị trường bất động sản – một động lực quan trọng của nền kinh tế – đang chìm trong cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, hội nghị này nhiều khả năng sẽ không tập trung vào thị trường bất động sản mà vào một số lĩnh vực khác như tình trạng nợ cao của các chính quyền địa phương và các giải pháp thúc đẩy sản xuất chất lượng cao.
THÁCH THỨC CẢI CÁCH TÀI CHÍNH VÀ TÀI KHÓA
“Thách thức lớn nhất với Bắc Kinh lúc này là xây dựng một hệ thống tài khóa khác, bởi hệ thống hiện tại - vốn phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu từ bất động sản – đang chịu áp lục nặng nề do thị trường địa ốc khủng hoảng”, ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của công ty dịch vụ tài chính Macquarie, nhận xét với hãng tin CNBC.
Ông Hu dự báo Hội nghị Trung ương 3 tuần này sẽ tập trung vào việc cách cách tài chính cũng như các chính sách về cấu trúc quan trọng khác.
“Các chính sách mang tính chu kỳ – có thể bao gồm chính sách về bất động sản – thường được thảo luận tại các cuộc họp thường kỳ hơn như cuộc họp của Bộ Chính trị dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7 này”, ông Hu cho biết. “Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh có thể sẽ nhấn mạnh lại cam kết đổi mới sáng tạo, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy sản xuất chất lượng cao và công nghệ cao”.
Trong nhiệm kỳ 5 năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc có hơn 300 thành viên, gồm cả thành viên chính thức và thành viên dự khuyết, thường tổ chức 7 hội nghị trung ương. Hội nghị Trung ương 3 là hội nghị thứ ba trong số này. Bộ Chính trị gồm khoảng 24 người nằm trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong đó, Thường vụ Bộ Chính trị với 7 thành viên là các nhà lãnh đạo chủ chốt của đất nước, là cơ quan quyền lực cao nhất ở Trung Quốc, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đứng đầu.
Hội nghị Trung ương 3 thường tập trung vào các chính sách kinh tế. Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI năm 1978, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tuyên bố mở cửa đất nước và đưa nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường.
“Tôi cho rằng hội nghị tuần này sẽ tập trung vào các cải cách tài chính”, Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Hang Seng Bank (China), nhận định và cho biết đang dõi theo các chi tiết về với lĩnh vực ngân hàng, cũng như các tính hiệu chính sách liên quan tới vấn đề tài chính của các chính quyền địa phương cũng như chính sách thuế. “Với thị trường bất động sản, tôi cho rằng đây sẽ không phải là một trong tâm của hội nghị, bởi đây là lĩnh vực đang ở tình trạng mà tất cả đều có chung nhận định. Đó là thị trường bất động sản đang suy thoái và chưa chạm đáy”.
CẦN THẬN TRỌNG
Không chỉ ảnh hưởng tới tình hình tài chính của hầu hết hộ gia đình của Trung Quốc, khủng hoảng bất động sản cũng đang làm xói mòn tài chính của các chính quyền địa phương, trong bối cảnh các địa phương đang gánh khối nợ lớn và nguồn thu chính từ địa ốc giảm mạnh.
“Trong trung và dài hạn hơn, các chính quyền địa phương cần phải tìm kiếm nguồn thu bền vững hơn, thay vì phụ thuộc vào nguồn thu từ bán và cho thuê đất như hiện nay”, các nhà phân tích của ngân hàng HSBC nhận định trong một báo cáo công bố ngày 28/6 trước thềm Hội nghị Trung ương 3 của Trung Quốc. “Việc tăng thuế trực tiếp với hoạt động tiêu dùng cá nhân, thuế thu nhập… thường được xem là giải pháp. Trong đó, thuế tiêu thụ là giải pháp hiệu quả nhất”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của HSBC cho rằng Bắc Kinh cần thận trọng trong việc thiết kế chính sách trong giai đoạn dịch chuyển này, trong bối cảnh niềm tin trong khu vực tư nhân đang ở mức thấp.
Còn theo ông Yao Yang, giáo sư, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh, để cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc cần phát triển sản xuất và công nghệ, theo đó buộc phải kìm hãm lĩnh vực tài chính cũng như bất động sản.
“Đây là nguyên nhân đằng sau động thái siết chặt kiểm soát với lĩnh vực tài chính và bất động sản tại Trung Quốc thời gian qua”, ông Yao nhận xét.
Theo các thông báo chính thức, Bắc Kinh cho biết Hội nghị Trung ương 3 tuần này sẽ thảo luận về “các cách cách sâu rộng và hiện đại hóa Trung Quốc”. Mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn cao vào năm 2035”.