Ngày 19/9/2019 tại Tp.Cần Thơ, Thời báo Kinh tế Việt Nam chủ trì tổ chức hội thảo phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam thường niên – năm 2019 với chủ đề "Đột phá công nghệ, nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất và tiêu thụ lúa gạo".
Đây là năm thứ 7 liên tiếp Thời báo Kinh tế Việt Nam chủ trì tổ chức hội thảo phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam.
Tham dự và phát biểu tại hội thảo năm nay có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, lãnh đạo UBND Tp.Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp tiêu biểu lĩnh vực công nghệ chế biến và nhà thu mua gạo lớn toàn cầu.
Lúa gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với lượng gạo xuất khẩu dao động từ 4,9 - 7,7 triệu tấn/năm, giá trị xuất khẩu luôn đạt trên 2 tỷ USD/năm và đạt mức kỷ lục 3,08 tỷ USD trong năm 2018. Đây cũng là sản phẩm xuất khẩu nòng cốt giữ vững thương hiệu quốc gia nông nghiệp trên thế giới.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực, trong đó có sản phẩm gạo.
Những thành quả liên tiếp đạt được về kim ngạch xuất khẩu gạo trong những năm gần đây tới các thị trường truyền thống, cũng như năng lực mở rộng tiếp cận tới các thị trường mới, có tính khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã tiếp tục khẳng định khả năng tăng trưởng và phát triển của hạt gạo Việt.
Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản suất, chế biến và bảo quản lúa gạo vẫn còn rất hạn chế đối với các doanh nghiệp sản xuất gạo trong nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và giá thành của gạo Việt Nam so với giống gạo cùng loại của các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan và Ấn Độ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến hiện đang là khâu xung yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam.
Vấn đề này cũng đã được xác định là cơ hội và tiềm năng phát triển mạnh cho những sáng kiến mang tính đột phá của ngành lúa gạo, của các doanh nghiệp là chủ thể của chuỗi sản xuất lúa gạo, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách cũng như mục tiêu lâu dài về nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh của gạo Việt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang có nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về nội dung này và tin tưởng với tính hấp dẫn về đầu tư ngành nông nghiệp, cùng với những cơ hội ngày một mở rộng hơn từ các FTA thế hệ mới vừa ký kết gần đây, các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực công nghệ chế biến và bảo quản lúa gạo sẽ quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam, hợp tác với doanh nghiệp sản xuất trong nước để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tăng hiệu quả và chất lượng của gạo Việt.
Tại hội thảo sẽ diễn ra 2 phiên thảo luận lần lượt với các chủ đề: Cơ hội và thách thức của ngành lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh mới; Những công nghệ tiên tiến trong chế biến và bảo quản lúa gạo đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường gạo cao cấp.
Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, chuyên gia nghiên cứu thị trường lúa gạo Agromonitor, Tập đoàn lúa gạo Tân Long, nhà mua gạo lớn nhất của Việt Nam xuất khẩu trên toàn cầu, Công ty Phoenix Global DMCC, Tập đoàn Buhler cùng nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn của thế giới đã tham gia các phiên thảo luận và cung cấp nhiều thông tin giá trị cho các doanh nghiệp ngành gạo của Việt Nam.
Phiên thảo luận về những công nghệ tiên tiến hiện nay trong sản xuất và chế biến gạo đề cập và bàn thảo đầy đủ và chi tiết được ứng dụng trong các khâu sau thu hoạch, từ công nghệ xay xát, công nghệ thủy nhiệt, công nghệ làm lạnh cho hạt gạo, công nghệ nén khí giúp nâng cao chất lượng gạo thành phẩm, công nghệ bảo quản và lưu trữ sản phẩm gạo sau thu hoạch và chế biến, đến các công nghệ chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng sau gạo như bánh gạo, ép dầu cám... Đây là những thông tin đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam.