Hội thảo quốc tế Thiên văn học và ứng dụng công nghệ vũ trụ trong giáo dục STEAM 2022 đã diễn ra trong 03 ngày từ 23-25/9 tại Đại học Đông Á Đà Nẵng, để trao đổi, tăng cường kiến thức, kỹ năng về STEAM (Khoa học – Công nghệ - Kỹ thuật – Nghệ thuật – Toán học) cho giảng viên và các nhà giáo dục.
Hội thảo do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Nghiên cứu Thiên văn Quốc gia Thái Lan và Đại học Đông Á phối hợp tổ chức quy tụ sự tham gia của hơn 50 chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Thái Lan và Việt Nam.
Thông qua các bản tham luận chất lượng của các chuyên gia giàu kinh nghiệm đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo thiên văn học, công nghệ vũ trụ và giáo dục STEAM được trình bày tại Hội thảo đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của các giảng viên Khối Sư phạm đại học Đông Á, giáo viên trường liên cấp Sakura-Olympia Đà Nẵng và những sinh viên yêu thích lĩnh vực thiên văn học.
Hội thảo là diễn đàn chuyên môn trong lĩnh vực thiên văn học và công nghệ vũ trụ trong giáo dục STEAM như: Giải quyết các vấn đề trên trái đất thông qua hình ảnh vệ tinh, quan sát lỗ đen, quan sát thiên văn cơ bản; Hệ Mặt trời, định luật Kepler và ứng dụng trong ngoại hành tinh; Giáo dục STEM: Cơ hội và thách thức tại Việt Nam; Cơ sở thiên văn của lịch, Máy quang phổ đơn giản cho giáo dục STEAM, CanSat trong giảng dạy STEAM…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Wichan Insiri, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu Thiên văn Quốc gia Thái Lan, cho rằng: “Covid-19 đã tạo ra những thay đổi lớn, kèm với những vấn đề toàn cầu được đặt ra… tất cả đã làm thay đổi trải nghiệm của người học. Trong bối cảnh đó, công nghệ trở nên thực sự quan trọng đối với sự phát triển của cuộc sống, chính vì vậy giáo dục STEAM đóng vai trò không thể thiếu. Hội thảo là một cơ hội xuyên quốc gia quý giá để kết nối các trường đại học, nhà giáo dục với nhau cùng nghiên cứu, chia sẻ về thiên văn học và ứng dụng công nghệ vũ trụ trong giáo dục STEAM trong bối cảnh mới”.
Ngoài các tham luận của các chuyên gia giàu kinh nghiệm được trình bày tại hội thảo, Lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và Viện Nghiên cứu Thiên văn Quốc gia Thái Lan cũng đã diễn ra giúp khởi tạo mạng lưới nối kết cộng đồng những người quan tâm đến giáo dục STEAM nhằm thúc đẩy các hoạt động trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng tiếp theo thời gian tới trong lĩnh vực Thiên văn học và Vật lý thiên văn.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Chiang Mai, Thái Lan cũng đã tiến hành thực hành mô phỏng lớp học STEAM Robotics tại Hội thảo.