Thiên nhiên mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhất là trong cuộc sống hiện đại con người đang dành đến 90% cuộc sống của mình bên trong các tòa nhà. Song không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tiếp cận được thiên nhiên.
Khi các nhà nghiên cứu tìm ra cách để đưa những yếu tố như gió và ánh sáng mặt trời vào bên trong không gian sống, họ nhận thấy rằng việc tiếp xúc với những chuyển động tự nhiên này sẽ làm giảm nhịp tim, đồng thời ít bị phân tâm hơn so với những chuyển động tương tự được tạo ra nhân tạo.
Cho đến nay, công trình xanh là một khái niệm quen thuộc, nhưng lý tưởng nhất là các tòa nhà nên tích cực thể hiện mối quan hệ của chúng với thiên nhiên, vượt ra ngoài yếu tố đơn giản là “không gây hại”. Các chuyển động của ánh sáng, gió và mưa đã được chứng minh là có tác dụng làm dịu tâm hồn cho những cư dân ở trong tòa nhà. Tuy nhiên, nhà phố Việt Nam thường được xây dựng san sát, bí bách nên những yêu cầu như không gian sống phải gần gũi thiên nhiên và riêng tư trở thành một thách thức.
Trên diện tích đất 330 m² ở quận Gò Vấp (TP.HCM), các kiến trúc sư A+ Architects trước tiên đã tạo lập một không gian sống gần gũi với môi trường xung quanh, và sau đó là một ngôi nhà có thể “thở”. Dự án này mang đến một cách tiếp cận mới mẻ khi gia chủ đã lựa chọn sử dụng kết cấu thép thay vì bê tông cốt thép thông thường. Ngoài ra, gia chủ cũng mong muốn kết hợp một lượng đáng kể vật liệu gỗ để tạo ra một không gian sống hài hòa với thiên nhiên.
Để đáp ứng nhu cầu của gia chủ, dự án này đã triển khai giải pháp thông minh mang tên “mặt tiền hai lớp”. Cấu trúc này bao gồm hệ thống lam gỗ nhiệt (gỗ đã được xử lý nhiệt để tăng độ bền) ở bên ngoài, kết hợp với hệ thống kính trượt bên trong. Toàn bộ hệ thống được cố định chắc chắn vào khung thép. Có thể coi đây là giải pháp hai trong một, giải quyết được cả yếu tố nắng và gió đồng thời kết hợp các nguyên tắc phong thủy. Nhờ đó, ngôi nhà có thể thể hiện đầy đủ đặc tính “thoáng khí” của mình.
Được đặt tên là EcoBreeze House, hãy tưởng tượng một ngôi nhà không có ranh giới giữa thiên nhiên và con người nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu mong muốn của gia chủ có được 1 không gian sống riêng tư và đầy đủ tiện nghi. Ở tầng trệt, các không gian phụ được đẩy sang một bên, tạo thành sân vườn chiếm hơn 45% diện tích đất, bao quanh 3 mặt của khu chức năng chính. Tại đây, cả gia đình có thể tương tác với thiên nhiên theo chiều ngang.
Hơn nữa, việc tích hợp thiên nhiên không chỉ dừng lại ở khía cạnh chiều ngang; mà chiều dọc cũng phải được xem xét. Vì vậy, căn bếp được di chuyển vào trung tâm khối chức năng chính ở tầng trệt, kết hợp với giếng trời trên cao tạo thành một trục thẳng đứng hoàn hảo kết nối với thiên nhiên. Các kiến trúc sư cũng rất chú trọng đến nguyên tắc phong thủy khi bếp được bố trí ở vị trí không có bất kỳ không gian chức năng nào phía trên và nghiêng 45 độ so với hướng chính của ngôi nhà.
Không gian này giống như một môi trường thiên nhiên thu nhỏ, cho phép những cây bản địa có tán lớn sinh trưởng và phát triển bền vững. Mỗi không gian chức năng trong ngôi nhà đều có câu chuyện riêng và hành lang tầng 1 cũng không ngoại lệ. Sàn gỗ ở hành lang tạo cảm giác ấm áp, dễ chịu khi sử dụng.
Hành lang này còn đóng vai trò là hệ thống giao thông kết nối các phòng ngủ và không gian sinh hoạt chung ở tầng một. Ngay cả trong thời gian nghỉ ngơi, người ta vẫn có thể chúc nhau ngủ ngon qua khoảng không trống.
Có thể nói, ngôi nhà hội tụ đủ những khía cạnh quen thuộc nhất của văn hóa và khí hậu Việt Nam. Ở đây, không còn sự ngăn cách giữa con người và thiên nhiên bản địa. Trẻ em có thể tự do vui chơi trong nhà mà vẫn trải nghiệm được những chuyển động rõ rệt của môi trường xung quanh. Tất cả những yếu tố này góp phần tạo nên một công trình độc đáo.