Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa thông tin về kết quả triển khai Nghị quyết số 68 (gói 26.000 tỷ), Quyết định số 23; Nghị quyết số 116, Quyết định số 28 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Trong đó, đối với việc thực hiện Nghị quyết số 116 của Chính phủ, Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến hết ngày 18/10, cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 1,51 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 0,2 triệu người đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ là 4.087 tỷ đồng.
Hiện nay, tiến độ thực hiện giải quyết hồ sơ và chi hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn đang được bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đẩy nhanh. Theo đó, bên cạnh giải quyết nhanh cho những người lao động đang bảo lưu đóng bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội các địa phương còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động rà soát, bổ sung thông tin (số tài khoản ATM, số điện thoại) để chi trả được chính xác, kịp thời.
Về việc thông báo giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% cho các đơn vị sử dụng lao động, đến nay các tỉnh, thành phố cũng đã cơ bản hoàn thành.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngoài việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp người lao động ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng triệu người lao động bị mất việc, ngừng việc, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự trở thành chỗ dựa cho người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, vơi bớt những áp lực về kinh tế trong thời gian dịch bệnh.
Bên cạnh việc được hưởng trợ cấp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng giúp người lao động có cơ hội được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp mới chất lượng hơn cho bản thân.
Các trung tâm dịch vụ việc làm sẽ tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động thất nghiệp phù hợp với trình độ chuyên môn, cũng như vị trí việc làm mới. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề để sớm quay trở lại thị trường lao động. Mức hỗ trợ học nghề được quy định bằng mức chi phí học nghề ngắn hạn theo pháp luật về dạy nghề.
Đối với gói 26.000 tỷ đồng, tính đến hết ngày 18/10, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận danh sách cho 1.945.008 lao động của 56.900 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 63 tỉnh, thành phố.
Trong đó gồm: 1.476.736 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 51.787 đơn vị; 320.313 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 3.776 đơn vị; 1.792 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 20 đơn vị.
Ngoài ra, có 67.639 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của 882 đơn vị, được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc; 51.679 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất của 248 đơn vị.
Bên cạnh đó, có 26.849 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 187 đơn vị.
Về chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, cơ quan bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 728 đơn vị, với 133.366 lao động, số tiền đã giảm đóng là 912,3 tỷ đồng tại 56 tỉnh, thành phố.