Hơn 100 công ty đến từ các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục hoạt động ở Nga dù đã gần 4 tháng trôi qua kể từ khi Moscow mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine – sự kiện dẫn tới một loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây nhằm vào Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nước này giữ vững nền kinh tế mở và sẵn sàng hợp tác với những ai có thiện chí.
Theo hãng tin Bloomberg, 116 công ty EU nói trên chiếm gần một nửa trong số 247 công ty đa quốc gia hiện vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh ở nước này, bất chấp sức ép của EU và Mỹ đối với Moscow. Đây là kết quả một nghiên cứu do tổ chức Yale Chief Executive Leadership Institute (CELI) thuộc Đại học Yale, Mỹ thực hiện.
Nghiên cứu trên được đưa ra sau một báo cáo của một tổ chức nghiên cứu thuộc Chính phủ Nga. Được công bố vào tuần trước, báo cáo đó của Nga nói rằng hơn một nửa trong số 5.000 công ty nước ngoài ở Nga đã tuyên bố không cắt giảm hoạt động ở nước này và tiếp tục sử dụng 2 triệu lao động Nga. Chỉ có 90 công ty, chủ yếu trong các lĩnh vực tư vấn và công nghệ thông tin, đã rút khỏi thị trường Nga và chuyển sang các quốc gia khác, theo báo cáo.
Hồi tháng 5, CELI công bố một báo cáo nói rằng đối với những công ty nước ngoài rút khỏi Nga, mức tăng giá trị vốn hoá nhờ sự hồi phục của cổ phiếu đã vượt qua tổn thất của việc rời thị trường này.
Cũng trong tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng các công ty nước ngoài rút khỏi Nga sẽ phải hối tiếc về quyết định đó. “Họ sẽ tiếc vì Nga là một quốc gia thực sự có tiềm năng to lớn”, ông Putin nói.
Hôm thứ Sáu tuần trước, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (PIEF), ông Putin tuyên bố Nga sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế với “với những ai muốn như vậy”. Ông chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga và nhấn mạnh rằng “cuộc tấn công kinh tế ồ ạt này không có cơ hội thành công ngay từ đầu. Chúng tôi là những con người mạnh mẽ và có thể đương đầu với bất kỳ thử thách nào”.
Người đứng đầu điện Kremlin nói Nga sẽ tiếp tục con đường của một “nền kinh tế mở”, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp Nga tăng cường đầu tư tại thị trường trong nước. Ông tin rằng những công ty nước ngoài rời bỏ Nga, như McDonald’s và Microsoft, sẽ bị thay thế.
“Chúng tôi đang bình ổn tình hình kinh tế. Chúng tôi đã ổn định được thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng và hệ thống thương mại”, ông nói.
Giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga tăng cao, như dầu thô và lương thực, đã giúp nước này chống chọi với sự trừng phạt của phương Tây. Dù vậy, ông Putin thừa nhận rằng mức lạm phát 16,7% hiện nay ở Nga là quá cao.
Trong khi đó, nhà bình luận Juri Rescheto của tờ báo Đức DW nhận định rằng bài phát biểu của ông Putin ở PIEF chỉ là một nỗ lực nhằm hạn chế tổn thất đối với nền kinh tế Nga trong bối cảnh hiện nay, nhất là đối với các công ty Nga hoạt động trên thị trường toàn cầu.
“Nga chưa bao giờ phải hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn như năm nay. Cũng chưa bao giờ có nhiều công ty nước ngoài rời Nga đến vậy, chúng tôi ước tính con số phải lên đến hơn 1.000 doanh nghiệp. Vì vậy, Nga đang lo lắng và cố gắng định hướng lại toàn bộ nền kinh tế”, ông Rescheto nói.
Trong bài phát biểu của mình, ông Putin cũng nhắc đến tình trạng leo thang của giá lương thực toàn cầu và nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực ở những khu vực như châu Phi và Trung Đông. Ông nhắc lại quan điểm của Nga cho rằng việc Ukraine đặt mìn tại các cảng biển của Ukraine đã dẫn tới việc xuất khẩu lương thực bị hạn chế.
Ông chủ điện Kremlin cũng nói Mỹ và EU đang in tiền và gom mua lương thực trên toàn cầu, trong khi Nga sẽ tăng xuất khẩu ngũ cốc và phân bón nông nghiệp sang các nước đang phát triển.