April 28, 2024 | 14:05 GMT+7

Hơn 115.000 tỷ đồng giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm 2024

Khánh Vy -

Theo ước tính của Bộ Tài chính, tỷ lệ vốn đầu tư công thanh toánh từ đầu năm đến ngày 30/4/2024 dự kiến đạt 115.906,9 tỷ đồng, đạt 16,41% tổng kế hoạch và 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao...

Nhiều dự án vẫn chậm tiến độ so với kỳ vọng.
Nhiều dự án vẫn chậm tiến độ so với kỳ vọng.

Báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tháng 3 và ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2024 từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 từ đầu năm đến hết tháng 3/2024 là 80.689 tỷ đồng, đạt 11,43% kế hoạch (706.206,5 tỷ đồng); trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là 1.684,57 tỷ đồng (đạt 27,56% kế hoạch triển khai).

Tỷ lệ vốn đầu tư công ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4/2024 là 115.906,9 tỷ đồng, đạt 16,41% tổng kế hoạch; đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (663.807 tỷ đồng).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân ước 4 tháng của cả nước tăng so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt 14,66% tổng kế hoạch và 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN CHƯA ĐẠT KỲ VỌNG

Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên tất cả các lĩnh vực đều đang có sự khởi sắc, nhưng theo Bộ Tài chính, vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng đặt ra.

Cụ thể là các vướng mắc liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia. Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, ngày 30/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 258/QĐ-TTg về giao dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2024 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Giao thông vận tải và 8 địa phương, để thực hiện 3 dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia.

Tuy nhiên, đến ngày 23/4/2024, mới có Bộ Giao thông vận tải và 4 địa phương (Khánh Hoà, Đắk Lắk, Cần Thơ, Hậu Giang) giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 cho các dự án thành phần được giao quản lý, với tổng số vốn đã giao 4.021 tỷ đồng. Còn 4 địa phương là An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu chưa giao kế hoạch năm 2024 với tổng kế hoạch vốn chưa giao là 2.437 tỷ đồng.

Hơn nữa, về công tác giải phóng mặt bằng, thi công dự án, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay tiến độ giải phóng mặt bằng tại một số dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; dự án Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chậm hơn so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường điện cao thế còn nhiều khó khăn, chậm trễ. Chưa hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh đó, việc triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn trong cùng khu vực dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thi công, đặc biệt là vật liệu đất đắp, cát, đá… đối với các dự án tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Việc triển khai cơ chế đặc thù về khai thác vật liệu xây dựng thông thường còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đối với nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, hiện công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Theo đó, đến nay vẫn còn một số cơ chế trung ương chưa ban hành dẫn đến các địa phương còn vướng mắc trong thực hiện...

Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, vẫn còn một số vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài chưa được khắc phục cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Đơn cử như vướng mắc trong một số cơ chế chính sách; công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư; liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng...

Ngoài ra, những tháng đầu năm chủ đầu tư các dự án khởi công mới đang tập trung triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, thiết kế chi tiết. Vì vậy, các dự án hầu hết chưa có nhiều khối lượng công việc hoàn thành để nghiệm thu, thanh toán giải ngân.

CÁC KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT

Bộ Tài chính cho biết, để thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, với trách nhiệm được giao, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 10 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải.

Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.

Đối với nguồn vật liệu cho thi công, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công.

Liên quan đến các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính cho biết, trong phạm vi quyền hạn, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và có các văn bản kịp thời trả lời, hướng dẫn các vướng mắc của các địa phương theo thẩm quyền; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan trung ương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các chủ chương trình/dự án/tiểu dự án thành phần (Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội,...), cơ quan chủ trì hướng dẫn quản lý vốn đầu tư công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và UBND các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cuối cùng, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Nghị quyết của Chính phủ, Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate