April 07, 2023 | 16:41 GMT+7

Hơn 17.000 lao động mất việc, giảm giờ làm được nhận hỗ trợ

Nhật Dương -

Tính đến ngày 7/4, các cấp công đoàn đã thẩm định, quyết định hỗ trợ cho hơn 17.680 trường hợp đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ là 22,73 tỉ đồng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 7/4 cho biết, triển khai việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023, đến nay đã ra quyết định hỗ trợ cho trên 17.680 lao động.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của 26 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, tính đến hết tháng 3/2023, các cấp công đoàn đã tiếp nhận là 53.592 hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động. 

Các cấp công đoàn đã thẩm định, quyết định hỗ trợ cho hơn 17.680 trường hợp đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ là 22,73 tỉ đồng. Số hồ sơ đang tiếp tục thẩm định là hơn 35.900 hồ sơ với tổng số tiền dự kiến tiếp tục hỗ trợ là gần 56,4 tỉ đồng (quy trình thẩm định mất từ 15 đến 20 ngày sau khi nhận đủ hồ sơ của đoàn viên, người lao động). Tổng số đoàn viên, người lao động dự kiến được nhận hỗ trợ là gầ 53.500 người, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ là gần 80 tỉ đồng. 

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2023, qua ghi nhận của các cấp công đoàn, một bộ phận doanh nghiệp tiếp tục ổn định, có xu hướng phục hồi như các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (sản xuất đồ uống tăng; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất máy móc, thiết bị...), góp phần ổn định kinh tế - xã hội, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, dẫn đến phải dừng hoạt động, giải thể, phá sản. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4%, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước. Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm chung 2,2%.

Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý 1/2023 khoảng 377,7 nghìn người. Con số này cao hơn nhiều so với số lao động mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua. 

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lớn, thâm dụng lao động tiếp tục gặp khó khăn, có xu hướng giảm lao động, dẫn đến không tiếp tục ký hợp đồng lao động với người lao động hết hạn hợp đồng lao động. Điển hình là Công ty TNHH PouYuen Việt Nam không tái ký hợp đồng lao động với hơn 2.300 lao động…

Để hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm việc, mất việc làm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ và Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, mức hỗ trợ từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng/người.

Hạn nộp hồ sơ của doanh nghiệp, công đoàn cơ sở, người lao động đến 31/3/2023, việc chi hỗ trợ dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2023. 

Trước đó, từ tháng 9/2022 đến cuối năm 2022, theo báo cáo của các Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, đã có 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động với  546.835 người lao động.

Báo cáo tình hình thị trường lao động, việc làm quý 1/2023 của Tổng cục Thống kê công bố hôm 6/4 cũng cho thấy, dù so với quý trước, số lao động nghỉ giãn việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng trong quý đầu năm 2023 giảm, nhưng số lao động mất việc tăng lên.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý 4/2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý 1/2023, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Cụ thể, theo báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý 1 năm nay là gần 294.000 người, giảm 2.000 người so với quý trước, trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%), tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 44,2%, tiếp theo là dệt may với 18,8%.

Số lao động bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở một số tỉnh như Bắc Giang (16.000 người), Hải Dương (9.800 người), Ninh Bình (19.700 người), Thanh Hóa (62.400 người), Nghệ An (12.600 người), Tây Ninh (khoảng 21.800 người), Bình Dương (khoảng 36.400 người), Đồng Nai (khoảng 35.000 người), TP.HCM (khoảng 19.800 người), Tiền Giang (khoảng 11.500 người), Vĩnh Long (khoảng 13.200 người)…

Cả nước có gần 118.000 lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quý 4/2022, sang quý 1/2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng là gần 149.000 lao động bị mất việc. Trong đó, tập trung đa số (55,2%) ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (chiếm tỷ trọng tương ứng là 19,5%; 18,6% và 17%) và chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai (khoảng gần 32.600 người), Bình Dương (khoảng gần 21.700 người), Bắc Ninh (14.000 người), Bắc Giang (khoảng 7.700 người)…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate