July 02, 2025 | 16:34 GMT+7

Hơn 250 bệnh được kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày

Nhật Dương -

Theo quy định mới, người bệnh mắc một số bệnh mạn tính thuộc danh mục cho phép, sẽ được kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày, thay vì giới hạn tối đa 30 ngày như trước đây...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, có kèm theo danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày. Quy định được áp dụng ngay từ ngày 1/7/2025.

Theo Thông tư này, việc kê đơn thuốc ngoài thực hiện theo các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, cần tuân thủ theo các nguyên tắc.

Đó là phù hợp với một trong các tài liệu về tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, hoặc công nhận, hoặc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Dược thư quốc gia Việt Nam hiện hành.

Người bệnh khám bệnh nhiều chuyên khoa trong cùng một lần khám tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thì được kê một đơn thuốc, bao gồm chỉ định thuốc của một hoặc nhiều chuyên khoa.

Nội dung kê đơn thuốc cần ghi đầy đủ, rõ ràng và chính xác các mục trong đơn thuốc, hoặc trong hồ sơ bệnh án của người bệnh.

Ghi thông tin về số định danh cá nhân, hoặc số căn cước công dân, hoặc số căn cước hoặc số hộ chiếu của người bệnh (nếu có). Ghi thông tin về nơi cư trú của người bệnh.

Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi, thì phải ghi số tháng tuổi, cân nặng của trẻ; họ và tên người đưa trẻ đến khám bệnh, chữa bệnh.

Ghi tên thuốc, nồng độ hoặc hàm lượng, số lượng hoặc thể tích, liều dùng gồm số lượng sử dụng mỗi lần và số lần sử dụng trong ngày, đường dùng, thời điểm dùng của mỗi loại thuốc, số ngày sử dụng thuốc. Nếu đơn thuốc có thuốc độc, phải ghi thuốc độc trước khi ghi các thuốc khác.

Kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá 30 ngày. Trường hợp cần sửa chữa, điều chỉnh thuốc trong đơn, người kê đơn thực hiện kê đơn thuốc mới thay thế đơn thuốc cũ.

Một trong những điểm đáng chú ý tại Thông tư, đó là người bệnh mắc một số bệnh mạn tính thuộc danh mục cho phép, sẽ được kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày, thay vì giới hạn tối đa 30 ngày như trước đây.

Người kê đơn thuốc quyết định số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn thuốc căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc, tối đa không quá 90 ngày.

Danh mục này gồm 252 bệnh, nhóm bệnh thuộc 16 chuyên khoa như ung thư (ung thư vú, phổi không phải tế bào nhỏ, tuyến giáp), bệnh về máu (tan máu bẩm sinh, bệnh hồng cầu hình liềm...), bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa (suy tuyến giáp, suy tuyến yên, đái tháo đường…), bệnh tâm thần, bệnh hệ thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, bệnh hệ cơ - xương - khớp và mô liên kết…

Đại diện Bộ Y tế cho biết chủ trương cấp thuốc điều trị dài ngày cho một số bệnh điều trị ngoại trú, đặc biệt là với các bệnh mạn tính đã ổn định, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người bệnh, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi, người bệnh đi lại khó khăn. Trước đây, Thông tư 52/2017 quy định thời gian kê đơn thuốc ngoại trú tối đa là 30 ngày.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định việc kê đơn thuốc gây nghiện để giảm đau cho người bệnh ung thư. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chẩn đoán xác định người bệnh ung thư, thì làm hồ sơ bệnh án điều trị ngoại trú cho người bệnh.

Mỗi lần kê đơn thuốc tối đa 30 ngày, phải ghi cụ thể 3 đợt điều trị liên tiếp trên một đơn, mỗi đợt không vượt quá 10 ngày (ghi rõ ngày bắt đầu và kết thúc của đợt điều trị).

Trường hợp kê đơn thuốc gây nghiện để giảm đau cho người bệnh ung thư nằm tại nhà, không thể đến khám tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thì việc kê đơn thuốc gây nghiện phải do bác sỹ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh điều trị nội trú thực hiện.

Người bệnh phải có xác nhận cần tiếp tục điều trị giảm đau bằng thuốc gây nghiện của Trạm trưởng trạm y tế xã, phường, đặc khu - nơi người bệnh cư trú, kèm theo tóm tắt bệnh án. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cuối cùng điều trị kê đơn thuốc cho người bệnh, thì không cần có tóm tắt bệnh án.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate